Ngân hàng Thế giới đã chuẩn thuận cho Việt Nam vay 310 triệu đôla để thực hiện một dự án ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thông cáo báo chí mới đây của Ngân hàng Thế giới nói dự án này giúp Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế bền vững cho 1,2 triệu người ở 9 tỉnh trong vùng đồng bằng. Số người này bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và lụt lội.
Ông Achim Fock, quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói:
“Chúng tôi tin rằng dự án sáng tạo này mang lại một khuôn thức đa ngành hiệu quả để giúp nông dân điều chỉnh các sinh kế gắn với nghề nông và nghề cá để thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu”.
Dự án sẽ giúp lập kế hoạch tốt hơn có tính toán đến yếu tố khí hậu, cải thiện cách quản lý đất và nước gắn với chống chịu biển đổi khí hậu. Dự án sẽ có lợi cho các nông dân ở các tỉnh phía trên của ĐBSCL cũng như các hộ nuôi thủy sản và đánh bắt cá ở các tỉnh ven biển trong vùng.
ĐBSCL đóng góp một nửa sản lượng gạo của Việt Nam, 70% lượng thủy sản và 1/3 GDP của đất nước.
Vùng đồng bằng này dựa vào nước của sông Mekong chảy từ Trung Quốc qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, và Campuchia, trước khi đổ vào Việt Nam. Năm nay, mực nước sông đã xuống mức thấp nhất trong vòng một thế kỷ, dẫn đến nạn hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua.
Các chuyên gia cho rằng đây là hậu quả của mấy nguyên nhân kết hợp lại với nhau: hiện tượng El Nino mạnh hơn bình thường, biến đổi khí hậu, và đáng lo ngại nhất là việc xây dựng các đập trên dòng sông Mekong.
Có 11 dự án đập thủy điện trên dòng chính và 30 đập ở các phụ lưu được đề xuất xây dựng trong 20 năm tới.
Những người chỉ trích cho rằng các đập hiện có và sẽ được xây dựng gây nguy cơ và làm giảm lượng cá, giảm lượng phù sa cần thiết cho việc trồng lúa, thay đổi chất lượng và lưu lượng nước, và dẫn đến những cơn lũ không lường trước được, sẽ gây hậu quả lớn cho các cộng đồng ở tiểu vùng Mekong.
Một quan chức Việt Nam cho rằng các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong đã gây ra thiệt hại lên đến 231 triệu đôla đối với sản lượng nông nghiệp và hải sản của ĐBSCL.
Ông Richard Cronin thuộc Trung tâm Stimson ở Mỹ lưu ý rằng nếu vùng ĐBSCL của Việt Nam bị tác động, điều đó cũng sẽ dẫn đến những hậu quả ở các nước khác. Ông nói: "Người dân ở Indonesia và Philippines sẽ bị đói nếu người Việt Nam và Thái Lan không sản xuất ra đủ gạo, đây là điều thấy trước về tác động dài hạn của sự phát triển và biến đổi khí hậu gây ra đối với vùng đồng bằng sông Mekong".
Theo Nationmultimedia, Thanh Nien, Tuoi Tre
Your browser doesn’t support HTML5