World Bank: Thâm hụt cán cân thương mại của VN gia tăng trong tháng Tám

Trụ sở World Bank.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 15/9 công bố bản cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trong đó nói rằng so với một năm trước, xuất khẩu hàng hóa giảm 5,7%, trong khi nhập khẩu tăng 21,1%, dẫn tới nhập siêu tăng lên 3,5 tỷ đôla trong tám tháng đầu năm 2021, so với xuất siêu 13,7 tỷ đôla cùng kỳ năm trước.

Tổ chức tài chính quốc tế này cho biết rằng trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, đồ gỗ và giày dép bị ảnh hưởng nặng nề nhất (giảm lần lượt 38% và 26% so với cùng kỳ năm trước), tiếp theo là máy tính và sản phẩm điện tử (giảm 11,9%), dệt may (giảm 9%).

Tuy nhiên, theo World Bank, xuất khẩu điện thoại vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, “phản ánh thực tế là sản xuất điện thoại chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc, nơi đợt bùng phát dịch lần thứ tư được kiểm soát thành công hơn”.

Việt Nam hồi đầu tháng này cho biết nhập siêu 1,3 tỷ đôla trong tháng Tám và tính chung 8 tháng đầu năm nay, mức nhập siêu là 3,71 tỷ đôla.

Bộ Công thương cho biết thêm trong báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng Tám và 8 tháng năm 2021 rằng “trong tháng Tám năm 2021, dịch COVID-19 lần thứ tư vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu”.

Theo đánh giá của World Bank, trong thời gian tới, kết quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2021 “sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng Chín, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV”.

“Ưu tiên đặt ra là đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin để bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành. Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân”, Ngân hàng Thế giới viết trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Ngoài ra, tổ chức tài chính này cho rằng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, “cũng là cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm” và rằng “vì chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nên cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa”.