Vũ Đức Khanh (từ Ottawa, Canada)
Xây dựng đất nước Việt Nam có hiệu quả là tiến trình trong đó xã hội dân sự là một thành phần quan trọng cần được phát triển. Quốc gia không có đặc tính xã hội dân sự là một quốc gia nhà nước hóa, trong đó mọi người dân đều nằm dưới sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước và như vậy, người dân bình thường không có tiếng nói và đóng góp gì trong những vấn đề quan trọng của quốc gia. Trên lý thuyết và trong thực tế, xã hội dân sự phải độc lập với chính quyền và đóng vai trò phản biện trong những chính sách của chính phủ.
Xã hội dân sự là gì?
Xã hội dân sự là tất cả những tổ chức độc lập không thuộc guồng máy nhà nước và cũng không thuộc hệ thống doanh nghiệp tư nhân, liên doanh hay quốc doanh, được tổ chức từ những công dân tự nguyện tham gia.
Việc tham gia này hướng về một lãnh vực mà các công dân thành viên cùng chia sẻ, từ văn hoá, chính trị, khoa học cho đến tôn giáo, môi trường hay từ thiện…
Điểm chung của các xã hội dân sự là sự hoạt động độc lập với chính quyền và doanh nghiệp và không vì lợi nhuận.
Tổ chức dân sự có thể nhận được sự đóng góp trực tiếp từ các tổ chức khác, thậm chí từ chính quyền hay doanh nghiệp nhưng mọi đóng góp phải công khai và không ảnh hưởng tới tính độc lập của xã hội dân sự.
Ở Việt Nam, một tổ chức như "Đoàn Thanh niên Cộng sản" thì không phải là xã hội dân sự vì sự lãnh đạo, cán bộ điều hành cho đến kinh phí đều từ guồng máy nhà nước. Ngay cả những hiệp hội văn hoá như Hội Nhà văn Việt Nam cũng không được xem là xã hội dân sự vì sự lệ thuộc của lãnh đạo hội này vào các cơ quan nhà nước, kinh phí và các ưu đãi đều từ các cơ quan của nhà nước, nghĩa là thiếu sự độc lập.
Ngoài yếu tố tham gia tự nguyện và độc lập với nhà nước và doanh nghiệp, các xã hội dân sự thường còn hoạt động trên tinh thần ái hữu giúp đỡ lẫn nhau, lên tiếng vì những điều ảnh hưởng chung cho cả xã hội như muốn có công lý, bình đẳng trước pháp luật cho tất cả mọi người và hoạt động cùng nhau trong một tổ chức hướng về các thế hệ hiện nay cũng như tương lai.
Theo Viện Brookings của Hoa Kỳ, "xã hội dân sự là một khối xây dựng thiết yếu của sự phát triển và sự gắn kết quốc gia. Ở một đất nước có hòa bình và ổn định, xã hội dân sự lấp đầy khoảng trống mà chính phủ và khu vực tư nhân không thể chạm tới. Ở một quốc gia mong manh và đầy xung đột, nó đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ thường là trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp và có thể đặt nền tảng cho sự hòa giải".
Những tổ chức xã hội dân sự tại các nước phát triển
Ta thử điểm qua vài tổ chức xã hội dân sự phổ thông tại Mỹ hay các nước phát triển, qua vài mục đích thành lập tiêu biểu.
- Các hội chuyên gia: Hội Kế toán gia Mỹ, (American Accounting Association), Hội Luật gia Mỹ (American Bar Association), Hội Kỹ sư Cơ khí Mỹ (American Society of Mechanical Engineers), Hội các nhà địa chất gia Mỹ (Geological Society of America), Hội Y Sỹ Canada (Canadian Medical Association) …
- Các hội từ thiện như: Hội Chữ Thập Đỏ (Red Cross Society), Ngân hàng Thực phẩm (Food bank), CLB Phù Luân Quốc tế (Rotary Club International), Tổ chức Con Đường Chung (United Way), Hội Bác sỹ không biên giới (Médecins sans frontières), vv…
- Các hội giải trí, giáo dục : Hội các viện Bảo tàng Canada (Canadian Museum Association), Hội Hướng Đạo Mỹ (Boy/Girl Scouts Of America), Hội Dịch vụ Đại học Thế giới Canada (World University Service of Canada), vv...
- Các hội với mục đích xã hội, môi trường : Hội Giúp đỡ Trẻ em (Children’s Aid Society), Tổ Chức Hoà bình Xanh (Greenpeace), Tổ Chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Tổ Chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Hội Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders), vv…
Khi có những vấn đề lớn của quốc gia, guồng máy nhà nước thường quay sang hỏi ý kiến những nhà chuyên môn. Thí dụ, sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2007-2009, Hội Kế toán gia Mỹ và Viện Phân tích gia Tài chánh (Chartered Financial Analyst Institute) được yêu cầu đánh giá và góp ý. Một thí dụ nữa là Quỹ hưu bổng của Mỹ được Hội các nhà Nghiên cứu Rủi ro (Society of Actuaries of America) quan sát, cập nhật và theo dõi kỹ lưỡng. Tương tự như vậy, các chính sách kinh tế, ngoại giao, chính trị cũng được các thành viên của các viện nghiên cứu (như Brookings Institution, Cato Institute, RAND Corporation, vv…) khảo sát và đưa khuyến nghị.
Với các tổ chức từ thiện, thường người dân đóng góp qua các tổ chức xã hội dân sự mà họ tin tưởng hơn là qua các guồng máy nhà nước. Qua các bản báo cáo tài chánh công khai của mỗi xã hội dân sự về từ thiện, người dân có thể đánh giá các tố chức này và quyết định đóng góp như thế nào. Một tổ chức từ thiện lớn như Tổ Chức Con Đường Chung (United Way) được nhiều người đóng góp và tổ chức sẽ chuyển tiền xuống cho các tổ chức xã hội dân sự nhỏ hơn hoạt động. Tất cả qua hệ thống kế toán minh bạch.
Về xã hội, môi trường, các tổ chức xã hội dân sự nhiều khi là đa quốc gia, có tiếng nói chung trên cả hành tinh. Những vi phạm nhân quyền luôn được Tổ Chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) quan tâm và lên tiếng. Các tổ chức Phóng Viên không Biên giới (Reporters Without Borders), Giáo Viên không biên giới (Teachers Without Borders) luôn có sự đóng góp từ những quốc gia phát triển hướng về các nước đang và chậm phát triển.
Xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều triển vọng. Để có sự đóng góp của toàn dân hữu hiệu cần chú trọng mở rộng xã hội dân sự hơn nữa.
Trước hết, chính quyền cần nới lỏng sự kiểm soát của họ với các tổ chức mà ở các nước khác là xã hội dân sự. Một thí dụ là Hội Nhà văn. Thay vì để "Ban Tuyên Giáo" và các cơ quan khác của đảng và nhà nước thao túng nhân sự lãnh đạo, dùng sự trợ cấp về vật chất như một cách ràng buộc Hội Nhà văn vào sự kiểm soát của mình, họ nên cổ võ Hội như một tổ chức xã hội dân sự thực sự, trong đó thành viên tham gia tự nguyện, độc lập vì yêu thích văn chương. Và tương tự như vậy, các tổ chức như công đoàn, các hội đoàn thanh niên, phụ nữ cũng nên được nới lỏng khỏi sự kiểm soát của nhà nước. Nếu không những tổ chức này chỉ là những cánh tay nối dài của đảng và nhà nước mà thôi.
Hơn nữa, nhà cầm quyền Việt Nam nên xem lại các luật lệ về tổ chức hội đoàn, không chỉ trên giấy tờ mà cả việc thực thi luật pháp nữa. Công dân có được tự do thành lập tổ chức xã hội dân sự không hay nhà cầm quyền chỉ muốn mọi thứ luôn nằm trong sự kiểm soát và quản lý của họ. Những tổ chức xã hội dân sự với mục đích phản biện các chính sách của nhà nước cần được khuyến khích thay vì trấn áp, tạo một không khí thảo luận lành mạnh để các công dân khác có thể tham gia. Khi nhà nước tự tin, các phản biện của chính sách nhà nước nên được coi là cơ hội để nhà nước bày tỏ trước dân chúng, hơn là coi những tiếng nói khác ý như thù địch.
Những quyền tự do dân quyền liên quan như tự do biểu tình. Cho đến nay gần 48 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa có một luật về biểu tình, vốn là một cách bày tỏ ý kiến, quan điểm về những vấn đề chung quan trọng của đất nước. Mọi cuộc biểu tình ôn hoà không vi phạm pháp luật cần được sự giúp đỡ của nhà cầm quyền thay vì bị đàn áp. Điển hình có thể kể đến các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông hay các cuộc tuần hành đòi đất của dân oan và vv..., trong những năm gần đây.
Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động độc lập và lớn mạnh sẽ góp phần giúp Nhà nước giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước. Các tổ chức xã hội dân sự này sẽ là nguồn cung cấp ý tưởng có thể là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề cần giải quyết. Chỉ có như vậy chúng ta mới mong có một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng.