Trần An-Bee
Cầm trong tay quyển “sổ tay biết ơn” của lớp hai, tôi chậm rãi đọc những ghi chú của các em:
- Sáng nay trên đường đến trường, em đã thấy một đàn chim đang ríu rít tìm kiếm thức ăn trong đám cỏ. Xin tạ ơn!
- Lúc nãy ngoài sân chơi mình đã chơi rất vui với nhóm bạn của mình. Cám ơn các bạn.
- Mình nhớ mẹ. Chắc giờ này mẹ đang bận rộn ở văn phòng. Con biết ơn và yêu mẹ nhiều lắm.
- Cám ơn thượng đế vì cây xanh cho con bóng mát và không khí trong lành.
Tiếp tục mở các trang tiếp theo, tôi đọc được rất nhiều những ghi chú dễ thương và những hình vẽ minh hoạ ngộ nghĩnh. Các em viết về đủ mọi thứ, biết ơn về đủ mọi thứ như: nước uống, mặt trời, nhân công quét dọn đường phố, về các con thú cưng, về đồ chơi, về tập, bút v.v Sang các lớp khác tôi cũng thấy những quyển sổ tương tự. Được biết các em còn khuyến khích ba mẹ thực hiện những điều tương tự như thế trong trang “truyền thông” dành cho quý phụ huynh của lớp. Vậy là cả tập thể lớp, thầy cô và phụ huynh đều có những ghi chú ngắn gọn thể hiện lòng biết ơn trên trang “truyền thông” hay trên sổ tay tại lớp học. Chẳng ai bảo ai, cứ có giây phút nào trong ngày mà các em muốn viết gì hay vẽ gì đó để nói về lòng biết ơn vào quyển sổ tay ấy, các em đều được khen ngợi và khuyến khích.
Chia sẻ ý tưởng này với các bạn giáo viên đang ở Việt Nam, tôi nhận được một loạt những câu nói, câu hỏi gần giống nhau:
- Thế các em cứ tranh nhau mà viết rồi còn hạnh hoẹ nhau thì còn giờ đâu mà dạy.
- Các em có soi mói các ghi chú của nhau không?
- Ôi, có vẻ màu mè thế!
- Làm thế không chừng lại tạo thêm cớ để mà phân biệt, bạn này viết nhiều, bạn kia chẳng bao giờ viết, thế thì thầy cô lại mệt đầu để mà theo dõi và giải quyết.
Thực ra, chẳng biết có màu mè hay giả tạo gì không, thế nhưng một môi trường với văn hoá ứng xử tôn trọng, chấp nhận và đón nhận nhau là chuyện có thật đã, đang xảy ra trong ngôi trường ấy, trong cộng đồng xã hội giữa gia đình và nhà trường, đồng thời giữa nhà trường và mọi thành viên của nó. Không có bất kỳ lời nhận xét phê bình nào, kể cả phê bình về chữ viết hay lỗi chính tả, vì đó không phải là mục đích của việc làm này. Chỉ có những phân tích về điều hay nên làm hoặc những gì có thể cần mọi người cố gắng để thể hiện lòng biết ơn của mình.
Để có thể xây dựng được một nếp văn hoá như thế thì cần phải có một sự nhất quán trong phương pháp giáo dục, thực hiện và đồng lòng thực hiện. Nó đòi hỏi sự tương tác thống nhất giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và toàn bộ các cấp lãnh đạo. Đây không phải là công việc của riêng gia đình, càng không thể là công việc riêng của nhà trường.
Để lòng biết ơn được thực hiện cách tự nhiên và được trân trọng, điều mà nhà trường và các thầy cô đã làm là tận dụng mọi cơ hội để thực hiện, để tuyên dương, và để khuyến khích nhau, khuyến khích người khác cùng làm. Không có các bài giảng đạo đức sáo rỗng, chỉ có những mẩu chuyện thực tế được đưa ra thảo luận khi cần phải thảo luận, hay khi thấy một hành động đẹp thì tuyên dương hay khuyến khích ngay.
Sau đây là một số các hoạt động chúng tôi thường thực hiện trong trường, và các hoạt động này cũng được các em chia sẻ với phụ huynh và được gia đình thực hiện tại nhà.
-
Một cộng một: Đây là một hoạt động chỉ tốn khoảng 3 phút vào đầu ngày học hay làm việc. Trước giờ học buổi sáng, giáo viên có thể yêu cầu tất cả các bạn trong lớp quay sang nói với bạn bên cạnh một điều đã khiến bản thân mỉm cười sáng nay. Sau một phút thì yêu cầu cả lớp nhắm mắt lại và nghĩ về một điều tốt mình có thể làm trong ngày hôm nay. Sau khi đã dành khoảng 1 phút cho điều đó, giáo viên đã có thể bắt đầu tiết dạy của mình. Chỉ cần1 phút chia sẻ về điều tốt và một phút nghĩ về điều tốt thôi đã có thể tạo năng lượng đầy tràn cho ngày mới.
-
Tin nhắn: Gom các loại giấy có thể được tái sử dụng và để trong một chiếc hộp, khi cần các em có thể lấy một mẩu giấy để vẽ hoặc viết một lời cám ơn rồi gửi cho một ai đó trong lớp hoặc trong trường. Tất cả các hoạt động này đều được khuyến khích thực hiện sao cho không ảnh hưởng đến việc học chính. Các em có thể viết/ký tên của mình hoặc cũng có thể âm thầm làm việc đó.
-
Sinh hoạt chủ nhiệm: Giờ sinh hoạt chủ nhiệm có khi diễn ra chính thức, có khi là không chính thức. Có thể kéo dài từ 15 phút đến 30 hoặc 45 phút, tuỳ vào mục đích và vấn đề của buổi sinh hoạt. Các em có thể được cho biết trước mục đích và vấn đề sẽ được nói đến trong buổi sinh hoạt để có thể suy nghĩ và trao đổi với nhau hoặc quan sát, ghi chú lại những điều cần trao đổi với tập thể. Trong các buổi sinh hoạt này, các em thường được khuyến khích nêu lên một hình ảnh đẹp hay việc làm đẹp mà các em thấy trong tuần. Nếu điều đó liên quan đến một ai đó, các em không cần nêu tên mà chỉ cần kể lại điều gì đã xảy ra, ở đâu, như thế nào v.v Cả lớp sau đó sẽ có ý kiến xoay quanh việc tốt đẹp đó. Giáo viên đóng vai trò điều phối các cuộc thảo luận này nếu đó là các em học sinh lớp nhỏ. Nếu các em khoảng lớp 4 trở lên đã có thể dần được phụ trách các cuộc thảo luận này. Tuy nhiên giáo viên vẫn có vai trò hướng dẫn để vấn đề được thảo luận không đưa đến những khó xử hay có tác động tiêu cực. Tuyệt đối giữ đúng nguyên tắc về việc không kết án con người mà chỉ phân tích vấn đề và đánh giá mức độ hay dở của vấn đề, hình ảnh, hay sự kiện mà thôi. Giáo viên chính là người “cầm cân nảy mực” và không thiên vị, tâng bốc bất kỳ ai.
-
Sổ tay biết ơn: Ở các lớp thường có một quyển sổ tay được để nơi thuận tiện cho mọi người. Từ giáo viên cho đến học sinh đều có thể sử dụng quyển sổ này. Mọi người được khuyến khích viết xuống những điều đem đến cho bản thân niềm vui, hạnh phúc, sự sảng khoái, giây phút cảm động hay đơn giản chỉ là một sự an ủi, lời động viên mà bản thân nhận được từ ai đó. Sổ tay biết ơn cũng được một số cá nhân yêu thích tạo riêng cho mình.
Thực ra, theo nhiều nghiên cứu khoa học cũng như trong khoa tâm lý học, việc thể hiện lòng biết ơn thường xuyên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người thực hiện. Cụ thể là việc thực hiện nó đem lại sức khoẻ và cả hạnh phúc cho mọi người. Để thực hành lòng biết ơn này, đơn giản chỉ mất vài phút một ngày nhưng lợi ích mà nó đem lại có khi là rất lớn, có khi là những cảm xúc tích cực, đem lại năng lượng cho một ngày làm việc và đưa đến những hiệu quả cao trong công việc. Thực hiện lòng biết ơn cũng là công cụ không thể thiếu trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân.
Lòng biết ơn là một đức tính và phẩm chất mà dù có ở ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này ai cũng mong muốn được thấy, được thể hiện và được cảm nhận. Nó cần được chủ động thực hành để được bén rễ sâu trong cuộc sống của chúng ta. Giáo dục về lòng biết ơn hay sự tử tế, công bằng đều là những bài học đạo đức không thể chỉ được giao phó cho nhà trường mà đó là trách nhiệm và bổn phận của mọi người. Đó là một trong những chiếc chìa khoá quan trọng để mở cánh cửa cho sự an bình và công bằng của xã hội.