Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng vọt, chủ yếu nhờ Trung Quốc

Sầu riêng là loại trái cây Việt Nam xuất nhiều nhất sang Trung Quốc trong năm 2023

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023 dự tính sẽ đạt kỷ lục gần 5,6 tỷ đô la Mỹ, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm gần 2/3 với sầu riêng đã trở thành trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo số liệu do nhà chức trách nước này công bố.

Con số 5,6 tỷ đô la này đánh dấu mức tăng gần 66% so với năm ngoái, số liệu của Tổng cục Hải quan được trang Nông nghiệp Việt Nam dẫn lại cho thấy.

Chỉ riêng Trung Quốc trong 11 tháng vừa qua đã nhập 3,4 tỷ đô la rau quả của Việt Nam, tăng gần gấp rưỡi so với năm ngoái và chiếm 65,5% thị phần trong khoảng thời gian đó, theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam được trang mạng VnExpress dẫn lại.

Với kết quả này, rau quả đã vượt gạo, hạt điều, cà phê để trở thành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngoài Trung Quốc, các thị trường lớn khác của rau quả Việt Nam là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong tổng số 5,6 tỷ đô la xuất khẩu rau quả này, chỉ riêng sầu riêng đã chiếm 40%, giữ tỷ trọng lớn nhất, theo sau là mít, dưa hấu, bưởi, nhãn, cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Kể từ cuối năm 2022, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam theo đường chính ngạch.

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong cả năm 2023 sẽ cán mốc 2,5 tỉ đô la, trang Pháp luật dẫn lời ông Nguyễn Đình Tùng, phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo. Chỉ trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 2,2 tỉ đô la sầu riêng, theo số liệu của Tổng cục Hải quan được trang mạng này dẫn lại.

VnExpress dẫn lời ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sở dĩ xuất khẩu rau quả Việt Nam có mức tăng ấn tượng như vậy là ‘nhờ Trung Quốc mở rộng thị trường’.

Khi sang thăm Việt Nam hôm 12/12 để tuyên bố cùng nước này xây dựng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn sẽ mở cửa thêm thị trường cho các loại rau quả khác của Việt Nam, trước mắt là trái dừa tươi, sau đó sẽ là các loại quả có múi, bơ, mãng cầu…

Tuyên bố chung giữa hai nước cũng nhất trí đảm bảo thông quan thông suốt hàng hóa và thí điểm cửa khẩu thông minh tại biên giới để tăng hiệu suất thông quan.

Tuy nhiên, tình trạng lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc đã khiến ngành rau quả Việt Nam không ít lần bị chao đảo mỗi khi phía Trung Quốc đóng cửa khẩu hay hạn chế nhập khẩu, khiến cho rau quả Việt Nam bị dội chợ phải đổ bỏ như đã từng xảy ra với mít, thanh long.

Cũng ông Đặng Phúc Nguyên được trang Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời dự đoán tình hình xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc sang năm 2024 sẽ gặp khó khăn hơn khi Trung Quốc dự kiến sẽ mở cửa thị trường cho sầu riêng tươi của Malaysia vào tháng 5 và người dân nước này sẽ thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn. Hiện tại, Việt Nam đang tranh giành thị phần sầu riêng Trung Quốc với Thái Lan và Malaysia.

Ông Nguyên kêu gọi ngoài sầu riêng tươi, Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.

Việt Nam đang đàm phán để tìm thêm thị trường cho rau quả Việt Nam ngoài Trung Quốc, VnExpress dẫn thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thông cho biết, trong đó có thị trường Ấn Độ cho sầu riêng, thị trường Nhật, Hàn, Úc cho bưởi và thị trường Mỹ, Úc cho chanh leo.