Những nhà lãnh đạo điện Kremlin không phải là các nhân vật vui vẻ thân thiện. Thủ tướng Nikita Khrushchev thời Liên xô đã lột giày đập bàn tại Liên Hiệp Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Gromyko, được biết tiếng là người chuyên môn nói “không.”
Nhưng vào mùa xuân năm nay, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra một bộ mặt mới : đó là vẻ mặt thân thiện với Tây phương. Ông nói với một phóng viên châu Âu, ” Tôi muốn thấy một nước Nga tươi cười và mang bộ mặt của một người trẻ tuổi, hiện đại.”
Dầu đã lên giá trở lại với 90 đô la một thùng. Nhưng đầu tư của tây phương chưa trở lại Nga sau vụ nước này đưa quân vào Gruzia năm 2008. Nhóm các nước đồng minh với Nga gồm Belarus, Bắc Triều Tiên, Venezuela và Zimbabwe bị Nga chỉ trích là nhóm các quốc gia “thất bại.”
Trung Quốc và Nga đã thay bậc đổi ngôi trong nền kinh tế. Ông Konstantin Von Eggert, một nhà phân tích chính trị Mascova, ngày càng nghe thấy người Nga lo ngại về sụ tiến bộ không ngưng nghỉ của Trung Quốc. Ông nói :
“Một yếu tố khác là việc gia tăng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc tại các vùng biên giới với nước Nga.Trung Quốc đã đẩy nước Nga ra khỏi Trung Á. Trung Quốc càng ngày càng tỏ cho thấy Nga chỉ là một đối tác yếu hơn Trung Quốc.”
Giới lãnh đạo Nga đã có một cái nhìn nghiêm khắc về những nỗ lực thất bại trong việc hồi phục lại cái hào quang của một cường quốc. Giảm bớt những cao vọng, họ đã chọn một khẩu hiệu có tính cách thực dụng, là "hiện đại hóa các liên minh".
Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Mascova, ông Dmitri Trenin đang viết một cuốn sách về nước Nga thời hậu Xô Viết. Ông nói :
“Điều chủ yếu mà giới lãnh đạo Nga cũng đã làm là nói với các giới chức Bộ Ngoại giao rằng chỉ hỗ trợ cho một hình ảnh nước Nga, một cường quốc, đang xuống cấp, chưa đủ. Vì thế sứ mạng của chính sách đối ngoại của Nga là tìm đến với những quốc gia nào có thể là nguồn hiện đại hóa ở bên ngoài cho nước Nga.”
Nga than phiền là Trung Quốc chỉ coi Nga là một nguồn cung cấp nguyên liệu sống cho họ. Ngược lại châu Âu coi Nga là một tiền đồn cho đầu tư công nghiệp. Nhưng có hai trở ngại có thể ngăn chặn châu Âu không hợp tác hoàn toàn với Nga, đó là Hoa Kỳ và Ba Lan.
Thái độ thay đổi của Nga với Hoa Kỳ là có thực.
Quan hệ giữa hai nước vẫn tồn tại được sau các thử thách mà các giới chức Nga có thời gọi là "khiêu khích."
Vụ đường dây gián diệp Nga tại Hoa Kỳ bị tiết lộ chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Medvedev thăm Washington trong mùa hè vừa qua; vụ trục xuất tay buôn vũ khí người Nga Victor Bout từ thái Lan sang Hoa Kỳ, và vụ chống đối đang gia tăng của phe Cộng Hòa sau cuộc bầu cử tại Mỹ đối với hiệp ước START mới.
Chú ý đến cái lợi trong sự hợp tác với Hoa Kỳ, Nga hủy bỏ việc bán tên lửa chống máy bay dùng để bảo vệ các cơ sở hạt nhân của Iran.
Để đáp lại, Hoa Kỳ giúp Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, một điều có thể mang lại đầu tư nước ngoài vào Nga. Washington bảo vệ sườn phía nam của Nga bằng cách củng cố Afghanistan và giữ không cho các phần tử Hồi Giáo cực đoan tràn vào Trung Á. Ông Von Eggert tại Moscow nói tiếp:
“Tầng lớp chính trị Nga, giới lãnh đạo Nga, kinh hãi khi tưởng tượng việc gì sẽ xảy ra nếu liên minh quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đạo rút khỏi Afghanistan. Nga có những đường biên giới dễ xâm nhập với các nước Trung Á, và nếu phe Taliban tràn vào những vùng như Kyrgyzstan, Tajikstan hay Uzbekistan thì việc này sẽ tác hại nghiêm trọng cho nước Nga.”
Mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington sẽ mở ngỏ cho những đầu tư của Mỹ vào Nga. Pepsi đang mua công ty sữa và nước uống trái cây lớn nhất của Nga, một vụ mua bán lớn nhất chưa từng thấy của một công ty Mỹ tại Nga.
Ba Lan cũng đã ngăn chận việc Nga gia nhập Liên Minh châu Âu với đầy đủ tư cách hội viên.
Trở ngại lớn nhất là vụ Katyn, một khu rừng tại Nga nơi mật vụ của Stalin tàn sát hàng ngàn tù nhân Ba lan trong Thế chiến Thứ hai. Vào ngày 7 tháng 4, Thủ tướng Vladimir Putin mở rộng vòng tay với Ba Lan bằng cách cùng cầu nguyện với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trong một buổi lễ tưởng niệm tại Katyn.
Ba ngày sau đó, thảm họa xảy ra. Một chiếc máy bay của chính phủ Ba Lan chở Tổng thống và 95 nhân vật quan trọng khác bị rơi trong sương mù gần Katyn. Tổng thống Medvedev kiên trì tiếp cận Ba Lan bằng cách tham dự tang lễ tại Warsaw, mở rộng cuộc điều tra về tai nạn máy bay cho phía Ba Lan tham dự và dàn xếp để Quốc hội Nga bỏ phiếu chính thức đổ lỗi cho Stalin về vụ Katyn.
Kế đến vào tuần qua, Tổng thống Medvedev cười rạng rỡ với nhân dân Ba Lan trong chuyến thăm chính thức lần đầu tiên thủ đô Warsaw trong gần một thập niên của một vị nguyên thủ Nga.
Tổng thống Medvedev cũng trao tặng Huân Chương Hữu Nghị của Nga cho nhà đạo diễn phim chống Nga Andrzej Wajda. Phim Katyn được quay vào năm 2007 của đạo diễn Wajda nói về cuộc tàn sát trong Thế chiến Thứ hai, cướp đi sinh mạng của cha ông Wajda, một sĩ quan kỵ binh của quân đội Ba Lan.
Sau nhiều diễn biến thăng trầm trong năm 2010, Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin vẫn kiên quyết theo đuổi đường lối hòa giải với phương Tây.
Ông Pavel Felgenhauer, một nhà phân tích quân sự thận trọng lưu ý là cần phải mất nhiều năm để xóa tan sự nghi ngờ giữa đôi bên:
“Việc điều chỉnh lại mối quan hệ với Ba Lan trông có vẻ êm đẹp trên phương diện những mối giao dịch bề ngoài. Nhưng trên căn bản những mối liên hệ này vẫn còn rất gai góc.”
Tuy nhiên với một nước Trung Hoa đang nhanh chóng trỗi dậy tại phương đông, Nga quyết tâm củng cố mối quan hệ với Tây phương.
Trong năm 2010 Nga đã cố gắng cải thiện những quan hệ với phương Tây. Nước này đã giải quyết được một vụ tranh cãi lớn về biên giới với Na Uy, và bình thường hóa bang giao với Ukraina, sau khi một nhà lãnh đạo thân Nga lên cầm quyền ở nước này. Nhưng thay đổi lớn nhất của Nga là mối quan hệ giữa Nga với Ba Lan và Hoa Kỳ.