Vào tháng Năm, các giới chức Việt Nam mở một cuộc họp báo tố cáo Trung Quốc gây hư hại và quấy nhiễu hai tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam để hăm dọa và đòi chủ quyền trên toàn bộ biển Đông. Philippines cũng tố cáo tàu của Trung Quốc liên tiếp xâm phạm lãnh thổ của nước họ, vào vùng biển mà họ cho là có rất nhiều tiềm năng dầu khí dưới đáy biển.
Những cuộc biểu tình tượng trưng chống Trung Quốc tiếp theo sau đó. Tại Hà Nội, một nhóm nhỏ người biểu tình lên án Trung Quốc.
Và các nhà lập pháp Philippines gồm cả dân biểu Walden Bello bay đến một hòn đảo trong vùng tranh chấp để phản đối đòi hỏi của Trung Quốc.
Ông Walden Bello nói: “Để cuối cùng có được một giải pháp ôn hòa và công chính, chúng tôi mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của chúng tôi.”
Sáu quốc gia đưa ra những đòi hỏi chủ quyền trái ngược nhau tại biển Đông. Tuy nhiên theo bà Bonnie Glaser, một nhà phân tách thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington, thì những hành động khiêu khích và sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc đã đẩy nhiều quốc gia trong vùng tiếp xúc với Hoa Kỳ.
Bà Bonnie Glaser nói: “Khi Trung Quốc lớn mạnh thì chỉ có những bất trắc. Dĩ nhiên, mỗi một quốc gia đều muốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng với ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc đến nỗi các nước lại mong muốn có thêm cân bằng đối với ảnh hưởng của Trung Quốc hơn.”
Những tranh chấp tại biển Đông trở thành một ưu tiên hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng năm của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á họp tại Bali vào tháng 7 năm nay.
Chủ tịch ASEAN và là Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa tập trung vào việc phát triển một nguyên tắc ứng xử chú trọng chính yếu vào Trung Quốc.
Bộ trưởng Marty Natalegawa nói: “Có những mối quan tâm và căng thẳng cao độ tại biển Đông, ít nhất trong những tuần lễ gần đây. Tuy nhiên sự khác biệt giữa hiện nay và năm ngoái là mối quan tâm này, sự chú ý này hy vọng là đưa đến một triển vọng giải quyết được vấn đề.”
Sau những cuộc thảo luận ráo riết, đã có một sự đột phá nào đó. Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng những cuộc tranh chấp này có thể giải quyết song phương, đồng ý về một hướng dẫn có thể đưa đến một Nguyên tắc Ứng xử (COC) để giải quyết những tranh chấp.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đáp ứng bằng cách nói rằng ông ủng hộ thoả thuận nhưng ông nghi ngờ thoả thuận sẽ không giải quyết được gì.
Ông nói: “Do đó một mặt quí vị ký một thoả thuận với Trung Quốc, đó phải là một Nguyên tắc Ứng xử, nhưng mặt khác Trung Quốc sở hữu mọi thứ. Do đó làm thế nào quí vị có một Nguyên tắc Ứng xử cho quí vị khi đối tác luôn luôn nhận là họ sở hữu mọi thứ?”
Ông Shi Yinhong, một giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại trường đại học Renmin ở Bắc Kinh nói khối ASEAN thành công trong việc làm cho các bên lùi một chút trong thái độ đối đầu.
Giáo sư Shi Yinhong lên tiếng tại hội nghị Bali, nước Indonesia, với cộng đồng an ninh của ASEAN, rằng một thái độ tự chế của tất cả các nước tham dự đã giúp giảm bớt những thái độ gay go trước đây.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cũng ủng hộ thoả thuận, nhưng nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ là tất cả những tranh chấp cần phải giải quyết trong hoà bình, phù hợp với luật quốc tế và quyền tự do hàng hải phải được bảo vệ.
Cùng lúc đó, Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng châu Á Thái Bình Dương. Vào tháng 8 năm nay, Hải quân Hoa Kỳ đưa các giới chức Việt Nam đi một vòng quan sát hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington khi chiến hạm này di chuyển qua vùng biển Đông.
Trên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 vừa qua do ASEAN bảo trợ, bà Clinton gặp người tương nhiệp Philippines trên chiến hạm USS Fitzgerald để nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với nước đồng minh này.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Chúng ta phải đảm bảo là khả năng phòng vệ tập thể của chúng ta và hạ tầng cơ sở thông tin liên lạc của chúng ta hoạt động được và có khả năng cụ thể chặn đứng mọi sự khiêu khích.”
Và trên đường đi dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Tổng thống Barack Obama loan báo một thoả thuận giữa Australia với Hoa Kỳ cho phép khoảng 2.500 binh sĩ Hoa Kỳ trú đóng tại Australia trong mấy năm tới.
Dù các vị nguyên thủ quốc gia của Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN ngoài mặt nhấn mạnh đến sự hợp tác và hữu nghị tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 vừa qua, nhưng trong những phiên họp kín, hầu hết các nhà lãnh đạo Đông Nam Á chống lại lập trường song phương của Trung Quốc và ủng hộ những nỗ lực đa phương để phát triển một Nguyên tắc Ứng xử.
Giáo sư Yinghong tại Bắc Kinh đổ lỗi cho việc tăng cường quân sự của Hoa Kỳ trong vùng khiến cho ASEAN có ý kiến chống lại Bắc Kinh.
Giáo sư Yinghong nói trước khi Hoa Ky can dự, những quốc gia đó ở cùng ý kiến với Trung Quốc và đồng ý hợp tác song phương. Nhưng bây giờ với sự can dự của Hoa Kỳ, có một số quốc gia trong vùng cảm thấy được hỗ trợ lớn lao của nước ngoài và điều này khuyến khích họ tiếp tục những cuộc tranh chấp.
Mặc dù có những tiến bộ đạt được để phát triển một bộ Nguyên tắc Ứng xử tại biển Đông nhưng theo như nhà phân tách Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược thì Trung Quốc và ASEAN còn lâu mới đạt được một thoả thuận bền vững có ghi rõ những hậu quả nếu vi phạm.
Bà Bonnie Glaser nói: “Tôi nghĩ nội dung thực sự cần có trong Nguyên tắc Ứng xử vẫn chưa có. Nếu những nguyên tắc này không có tính cách ràng buộc về pháp lý và chỉ có tính cách tự nguyện thì tôi cho đây thực sự là một điều cực kỳ không may.”
Dù những cuộc thảo luận đang tiến hành, bà Glaser tiên đoán sẽ có những biến cố xảy ra trong tương lai giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại biển Đông, ngay cả khi Hoa Kỳ gia tăng sự có mặt quân sự trong vùng.
Năm ngoái, những cuộc tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển Đông giàu dầu khí đứng đầu danh sách những mối quan tâm về an ninh tại Đông Nam Á. Thông tín viên Đài VOA Brian Padden tại Jakarta nhìn lại những vụ đối đầu trên biển làm tăng tình hình căng thẳng trong vùng như thế nào, làn phát sinh một sáng kiến ngoại giao quan trọng và sự tái cam kết của Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á.