Tổng thống Nga Vladimir Putin phải bị đưa ra công lý vì cuộc chiến của ông ta ở Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát hiểu hôm thứ Năm 4/5 ở La Haye, Hà Lan, đồng thời kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt chuyên xét xử về cuộc xâm lược của Nga.
"Chúng tôi sẽ thành lập một tòa án riêng để chứng minh rằng những kẻ đó không phải là không thể đụng tới", ông Zelenskyy nói trong một cuộc họp báo. "Chúng tôi cần công lý", vẫn lời ông.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), là tòa án thường trực về tội ác chiến tranh có trụ sở ở La Haye, hồi tháng 3 đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vì bị tình nghi phạm tội trục xuất trẻ em khỏi Ukraine, đây là một tội ác chiến tranh.
Nhưng ICC không có thẩm quyền đối với tội xâm lược ở Ukraine. Một hành động xâm lược được Liên Hiệp Quốc định nghĩa là "sự đổ quân vào hoặc tấn công bằng các lực lượng vũ trang của một quốc gia (trên) lãnh thổ của một quốc gia khác, hoặc bất kỳ sự chiếm đóng quân sự nào".
Ủy ban châu Âu, trong số các bên khác nhau, cho biết họ ủng hộ việc thành lập một trung tâm quốc tế riêng biệt để truy tố tội xâm lược ở Ukraine, sẽ được thành lập ở La Haye.
"Tất cả chúng ta đều muốn thấy một Vladimir khác ở La Haye, là kẻ đáng bị trừng phạt vì hành động tội ác của hắn ta, ở đây, thủ đô của luật pháp quốc tế", ông Zelenskyy nói trong một bài phát biểu trước đó cùng ngày, dùng cách chơi chữ vì tên gọi của chính ông và của ông Putin tuy viết khác nhau nhưng phát âm gần như giống nhau.
"Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy điều đó diễn ra khi chúng ta giành chiến thắng, và chúng ta sẽ giành chiến thắng", ông nói.
Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về tính pháp lý và tính thực tiễn xoay quanh việc làm thế nào để thành lập một cách đúng luật một tòa án mới để xét xử hành vi xâm lược.
Nga không phải là thành viên của ICC và đã bác bỏ quyền tài phán của ICC. Nga cũng phủ nhận chuyện họ phạm tội ác trong cuộc xung đột với Ukraine.
Hà Lan là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hồi tháng 2 nói rằng ông không loại trừ bất kỳ hình thức hỗ trợ quân sự nào cho Kyiv miễn là điều đó không khiến NATO xung đột với Nga.
Đưa ra cam kết "ủng hộ vững chắc", ông Rutte cho biết "không có gì cấm kỵ" trong việc chuyển máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine và đang thảo luận với các quốc gia khác về vấn đề này. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "Chúng tôi vẫn chưa chốt lại được".
(Reuters)