Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm gọi virus corona gây bệnh Covid-19 là ‘China virus’ là hành động cần thiết để tránh cho cộng đồng gốc Á ở Mỹ, trong đó có người Việt, hứng chịu sự kỳ thị, một người gốc Việt sống lâu năm ở Mỹ nói với VOA.
Trong lúc này, ngày càng có nhiều người trẻ ở Vùng vịnh California tình nguyện hộ tống những người lớn tuổi gốc Á để đảm bảo họ được an toàn trong bối cảnh đã xảy ra những cuộc tấn công.
‘Hãy gọi bằng tên khoa học’
Kể từ khi thế giới biết đến dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, hành vi quấy rối và bạo lực nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á đã gia tăng nhanh chóng trên khắp Hoa Kỳ.
Hơn 2.808 báo cáo của chính nạn nhân về sự thù ghét nhằm vào người gốc Á từ 47 tiểu bang và Đặc khu Columbia đã được ghi nhận trong khoảng thời gian từ ngày 19/3 đến ngày 31/12 năm 2020. Trong số này 7,3% nhằm vào người Mỹ gốc Á trên 60 tuổi, theo một phúc trình của tổ chức Stop AAPI Hate, một liên minh ghi nhận sự thù ghét và kỳ thị người châu Á giữa đại dịch COVID-19, được CNN dẫn lại.
Từ thành phố San Jose thuộc Vùng Vịnh, ông Phạm Hoài Bắc, người từng làm quản lý cho các hãng xưởng công nghệ cao hiện đã về hưu, gọi lệnh cấm gọi ‘China virus’ là ‘điều hết sức đúng đắn’.
“Vì dịch bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Không bao giờ có nơi nào đó muốn có dịch bệnh xảy ra rồi lan cho thế giới nên nếu xảy ra rồi thì hãy gọi nói là virus corona là tên khoa học,” ông lý giải.
“Sự kỳ thị đối với người Á châu xảy ra nhiều sau này vì chính cựu Tổng thống Trump đã gọi tên ‘China virus’,” ông cho biết.
Theo giải thích của ông thì cách gọi của ông Trump ‘giúp cho những người Mỹ trắng có máu kỳ thị thấy được khuyến khích’.
“Nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục lây lan như vậy thì vô hình chung những người xung quanh thuộc các màu da khác sẽ mất đi cảm tình và không muốn đến gần người da vàng chúng ta mà không cần phân biệt là Tàu, Hàn, Nhật, Việt hay Campuchia nếu người lãnh đạo đất nước tiếp tục gọi ‘China virus’,” ông phân tích.
Ông nhắc đến một lần em gái ông khi vào nhà băng đã bị một người Mỹ trắng đứng gần bên ‘nói xa nói gần rằng tại con virus này mà bây giờ mọi người phải đeo khẩu trang như thế này’.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng khẳng định ông gọi ‘Chinese virus’ không hề có ý kỳ thị. “Virus đến từ Trung Quốc. Đó là lý do. Nó đến từ Trung Quốc. Tôi muốn nói đích xác,” ông Trump nói với báo giới.
“Điều hết sức quan trọng là chúng ta hoàn toàn bảo vệ cộng đồng Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Họ là những người tuyệt vời, và việc gieo rắc virus không phải là lỗi của họ dưới bất cứ hình thức nào. Họ đang sát cánh với chúng ta tiêu trừ virus này,” ông Trump giải thích quan điểm và sự ủng hộ đối với người Mỹ gốc Á trên Twitter.
Your browser doesn’t support HTML5
Tình nguyện hộ tống
Sự gia tăng gần đây của các hành động tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á lớn tuổi ở Vùng Vịnh của bang California đã làm gia tăng quan ngại của các nhà hoạt động và lãnh đạo cộng đồng, theo CNN.
Quá mệt mỏi vì bạo lực, Jacob Azevedo, một cư dân 26 tuổi ở thành phố Oakland, đã tỏ ý trên mạng xã hội rằng anh sẵn sàng hộ tống bất kỳ ai trong khu phố Tàu của Oakland đi về nhà để giúp họ cảm thấy an toàn.
Jacob Azevedo cho biết lòng anh quặn thắt khi xem hình ảnh đau lòng về một cụ ông gốc Thái 84 tuổi bị xô ngã xuống đất chết trên vỉa hè ở San Francisco.
Đó là video thứ hai về hành động tấn công vô cớ nhằm vào người Mỹ gốc Á lớn tuổi mà Azevedo xem được trên mạng xã hội trong vòng một giờ, anh nói với CNN.
Ý tưởng của anh đã nhanh chóng gây được tiếng vang trong cộng đồng và chỉ trong vài ngày, đã có gần 300 người liên lạc với anh để tình nguyện tham gia cùng anh bảo vệ cộng đồng trong một dự án gọi là ‘Thiện tâm ở Oakland’ (Compassion in Oakland).
Azevedo, vốn là người gốc Tây Ban Nha, tin rằng bây giờ là lúc để tất cả các nhóm thiểu số đoàn kết với cộng đồng người Mỹ gốc Á. Anh cho biết mọi người thuộc mọi thành phần chủng tộc và lứa tuổi đã liên hệ với anh để bày tỏ nguyện vọng muốn hỗ trợ cộng đồng.
“Đây là điều quan trọng vì cộng đồng này chỉ cần được chữa lành,” Azevedo nói. “Căng thẳng sắc tộc đang diễn ra rất mạnh vì những lời lẽ của vị Tổng thống tiền nhiệm nhưng nhìn chung cộng đồng của chúng ta cần được hàn gắn. Vấnđề này đã diễn ra được một thời gian.”
Đồng sáng lập Stop APPI Hate, cô Cynthia Choi, nói với CNN rằng tội phạm và bạo lực không là gì mới mẻ đối với cộng đồng gốc Á.
“Đây là một vấn đề nan giải vốn không nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là với các cộng đồng thu nhập thấp,” cô Choi nói. "Và dĩ nhiên, tôi nghĩ rằng đại dịch đã làm trầm trọng thêm vấn đề này và phơi bày sự chênh lệch sắc tộc.”
Choi cho biết trong thời kỳ khủng hoảng khi những người dễ bị tổn thương đang bị nhắm tới, việc có người ra mặt và hành động là ‘điều ấm lòng’.
Cư dân gốc Việt, Phạm Hoài Bắc, từ thành phố San Jose cho rằng dù Tổng thống Biden đang có những nỗ lực hướng tới bình đẳng sắc tộc, nhưng điều này cũng cần có nỗ lực từ cộng đồng gốc Việt.
“Muốn được bình đẳng sắc tộc. Muốn sự kỳ thị từ từ bị xóa dần thì cần phải có sự tranh đấu của những người dân bị kỳ thị. Chúng ta phải lên tiếng. Chúng ta phải đoàn kết để tạo ra tiếng nói của chúng ta,” ông kêu gọi.