Đài Loan tiếp tục tìm kiếm một nửa trong số gần 150 người Việt “mất tích” nhiều ngày qua, sau khi tới hòn đảo này du lịch hồi tháng trước, trong khi kêu gọi những người cư trú bất hợp pháp ra đầu thú.
Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan (NIA) hôm 11/1 cho biết như vậy, sau khi nói đã “mở rộng vận động và khoan hồng cho người nước ngoài cư trú hoặc lưu trú quá hạn tự thú về nước”.
Tin cho hay, các cơ quan đại diện của nhiều nước có đông công dân ở Đài Loan như, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines, đã tham dự chiến dịch vận động và nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường ý thức tố giác các chủ thuê hoặc môi giới lao động trái phép.
NIA cho biết rằng tính đến cuối tháng 10 năm 2018, tổng số người nước ngoài cư trú hoặc lưu trú bất hợp pháp là 88 nghìn người, và số người có ý định ở lại Đài Loan có chiều hướng tiếp tục tăng lên, “gây lo ngại về trật tự, an ninh xã hội”.
XEM THÊM: Vụ du khách Việt ‘biến mất’ ở Đài Loan: 3 người bị bắtCơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan cho biết đã và đang đẩy mạnh “cơ chế động viên đối tượng tự đến cơ quan trình báo” để “nâng cao hiệu quả truy bắt xử lý, cũng như giảm bớt những rủi ro phát sinh về an toàn tính mạng, đồng thời đảm bảo nhân quyền cho những người nước ngoài ở lại quá hạn”.
NIA cũng kêu gọi người dân “nếu quen biết trường hợp người nước ngoài đã ở lại Đài Loan quá hạn, nên động viên họ đến cơ quan chức năng “tự thú” để tránh những rủi ro cạm bẫy không may xảy ra, hoặc rơi vào tình thế bị lừa bán cho những kẻ buôn người, trở thành người bị hại trong thời gian ở lại Đài Loan”.
Cơ quan này nói thêm rằng những người tự đến trình diện sẽ được hưởng khoan hồng, trong khi những người khác nếu bị bắt “sẽ bị xử theo hình phạt nặng”.
Chiến dịch vận động tự thú này của Đài Loan được thực hiện trong bối cảnh vẫn tiếp tục truy tìm gần 100 du khách người Việt biến mất sau khi tới hòn đảo này du lịch dịp Giáng sinh 2018.
Trong số hơn 50 người đã được tìm thấy trong số gần 150 người Việt “mất tích”, báo chí Đài Loan nói rằng có hơn 20 người ra đầu thú cảnh sát.
Truyền thông hòn đảo này còn đưa tin rằng một số người Việt khai rằng họ đã phải trả khoảng 650 đôla để đi du lịch ở Đài Loan, và một số cho biết họ bỏ trốn với hy vọng tìm được việc làm bất hợp pháp để kiếm tiền.
Các hình ảnh được nhiều tờ báo và truyền thông xã hội đăng tải cho thấy người Việt cư trú bất hợp pháp đã bị cảnh sát Đài Loan phát hiện trốn trong tủ lạnh hay gầm giường và bị bắt giữ trong thời gian qua.
Những ai lưu trú tại Đài Loan trái phép có thể bị phạt tới 3 năm tù giam và phải trả tiền phạt khoảng 2.900 đôla. Ngoài ra, những người che giấu cho những ai vi phạm cũng đối mặt với án tới 2 năm tù giam.
XEM THÊM: Đài Loan treo thưởng 4.000 Đài tệ cho thông tin về nhóm du khách Việt ‘mất tích’Liên quan tới nhóm du khách Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã “yêu cầu phía Đài Loan trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cần đảm bảo an toàn, danh dự cá nhân của những người bị tạm giữ trên tinh thần nhân đạo, xử lý thỏa đáng theo quy định của pháp luật” cũng như “thông báo kịp thời cho Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tình hình về những người bị bắt giữ và diễn biến liên quan đến vụ việc để cùng phối hợp xử lý” và “tạo điều kiện để Văn phòng tiến hành thăm lãnh sự những trường hợp bị tạm giữ”.
Từ năm 2016, Đài Loan đã cho phép du khách tới từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, xin thị thực điện tử trong chương trình có tên gọi là Quan Hồng, nếu họ mua gói du lịch của các tour đã được cấp phép. Tuy nhiên, chính quyền hòn đảo này đã phát hiện ra rằng chính sách này đang bị lạm dụng để đưa người vào Đài Loan với mục đích khác ngoài du lịch.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, nhiều người Việt đã sang Đài Loan du lịch bằng thị thực này, nhưng hiện chưa rõ con số thống kê cụ thể.
Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời chính quyền Đài Bắc cho biết “sẽ tạm dừng cấp thị thực trực tuyến cho các nhóm khách du lịch theo chính sách ưu đãi Quan Hồng” nhưng “các đối tượng khác vẫn được tiến hành cấp thị thực bình thường” và “sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với đoàn đông người nhập cảnh tại các sân bay của Đài Loan nếu thấy có dấu hiệu bất thường”.
Việt Nam cho hay thêm rằng “các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và phía Đài Loan để giải quyết vụ việc”.