Nếu lãnh đạo Trung Quốc muốn biết cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với tranh chấp thương mại tiếp diễn giữa hai nước Mỹ-Trung sẽ như thế nào thì việc bổ nhiệm bà Katherine Tai làm đại diện thương mại Mỹ sẽ mang đến cho Bắc Kinh câu trả lời khá rõ ràng.
Là một luật sư, bà Tai là trưởng cố vấn thương mại cho Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ kể từ năm 2017. Trước khi gia nhập Ủy ban vào năm 2014, bà từng làm việc vài năm tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong đó có 3 năm làm cố vấn trưởng cho đội ngũ Thực thi Chính sách Thương mại đối với Trung Quốc với nhiệm vụ xử lý các tranh chấp với Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thông thạo tiếng Quan thoại, bà Tai hiểu rõ về Trung Quốc. Sau khi lấy bằng cử nhân từ đại học Yale, bà từng dạy tiếng Anh tại trường đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.
Kể từ khi được đề cử cho chức vụ mới, bà Tai chưa lên tiếng phát biểu gì vì còn đợi được Thượng viện chuẩn nhận. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước Hội đồng Ngoại thương Quốc gia trước đây trong tháng này, bà Tai nhấn mạnh bà xem quan hệ thương mại Mỹ-Trung là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong một thế giới mà “có cảm giác như là một nơi phức tạp hơn và mong manh hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây trong cuộc đời của tôi.”
“Đất nước và nhân dân chúng ta đang đối dầu với những thách thức quan trọng trong việc điều hướng và giữ vững các giá trị và vị thế của chúng ta trên thế giới,” bà nói. “Trên đấu trường quốc tế, chúng ta đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ một Trung Quốc đang lớn mạnh và nhiều tham vọng—một Trung Quốc mà nền kinh tế được chỉ đạo bởi các nhà lập kế hoạch trung ương không bị áp lực bởi chính trị đa nguyên, bầu cử dân chủ hay dư luận quần chúng.”
Sâu sắc, chiến lược và quả quyết
Ông Jason E. Kearns, chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, một uỷ ban độc lập về chính trị, mô tả bà Tai là một ‘nhà tư tưởng chiến lược” luôn vươn tới những quyết định khó khăn mà không cần biết trước cách giải quyết.
Ông Kearns là người đi trước bà Tai trong vai trò tại Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện, nơi mà ông đã tuyển dụng bà và làm việc với bà trong nhiều năm. Ông nhận xét về bà trong tư cách cá nhân chứ không phải trong tư cách đương kim chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ.
“Bà ấy là một người biết lắng nghe và sâu sắc,” ông nói. “Đó là cách bà tiếp cận mọi vấn đề bà xử lý. Bà nỗ lực xây dựng đồng thuận lâu dài, và tôi nghĩ bà rất thành công trong việc này.”
Bà Tai, vẫn theo lời ông Kearns, phối hợp óc khôi hài với sự tự tin sẽ giúp bà rất nhiều trong các cuộc thương lượng thương mại quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc. Bà Tai công nhận “Trung Quốc đề ra một số thách thức nghiêm trọng cho chúng ta,” và cách bà tiếp cận Bắc Kinh sẽ vừa sâu sắc vừa quả quyết.
Đó là điều mà nhiều công ty Mỹ tìm cách cạnh tranh tại Trung Quốc cũng hy vọng - và kỳ vọng - từ bà Tai.
Không ‘dễ ăn’
“Bất cứ ai cho là bà Katherine Tai sẽ là một đối thủ hạ dễ như chơi hay sẽ dễ dàng cho Trung Quốc sẽ bị bất ngờ,” ông Doug Barry, phát ngôn viên cho Hội đồng Doanh thương Mỹ-Trung hoạt động tại Washington, Bắc Kinh và Thượng Hải, nói.
Vẫn theo lời ông, bà Tai biết rất rõ những khó khăn trong quá khứ Mỹ từng gặp để buộc Trung Quốc tôn trọng những cam kế của họ trong những thỏa thuận thương mại trước đây.
Liên hệ của bà Tai với Trung Quốc rất sâu rộng. Cha mẹ bà sinh ra tại Hoa lục, trưởng thành tại Đài Loan và di cư đến Mỹ. Bà Tai ra đời tại Connecticut vào năm 1974 nhưng trưởng thành chính yếu tại Washington, nơi thân phụ của bà làm việc trong tư cách là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Walter Reed và mẹ bà làm việc tại Viện Y tế Quốc gia.
Sau khi theo học Trường Luật Harvard, bà Tai làm luật sư thương mại, công tác tại các hãng luật uy tín ở Washington trước khi làm việc cho chính phủ.
Chỉ dấu về chính sách
Bà Tai có lẽ đã đưa ra một số chỉ dấu trong bài phát biểu tại Hội đồng Ngoại thương Quốc gia khi nói rằng mục tiêu của chính quyền Biden là ‘thực thi một chính sách thương mại đặt trọng tâm vào người lao động.’
Bà nói, thực tế điều đó có nghĩa là “Chính sách thương mại Mỹ phải mang lại lợi ích cho người dân, các cộng đồng, và người lao động Mỹ. Và điều đó khởi sự bằng việc công nhận người dân không chỉ là người tiêu dùng, họ cũng là người lao động và người làm việc kiếm thu nhập.”
“Người Mỹ không chỉ hưởng lợi từ giá hạ và những sự lựa chọn tốt hơn ngoài thị trường, trong cửa tiệm,” bà tiếp lời. “Người Mỹ cũng hưởng lợi từ việc có công ăn việc làm tốt, mức lương tốt.”