Trung Quốc nên đối thoại với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad nói với các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm Tây Tạng, nơi ông chỉ trích Bắc Kinh can thiệp vào tự do tôn giáo.
Ông Branstad thăm Tây Tạng tuần trước, theo Reuters. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một đại sứ Mỹ kể từ năm 2015, trong bối cảnh căng thẳng về thương mại và ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang.
Chuyến thăm của nhà ngoại giao này tiếp sau việc Mỹ thông qua một điều luật tháng 12 năm ngoái, theo đó yêu cầu Mỹ bác bỏ đơn xin thị thực đối với các quan chức Trung Quốc phụ trách việc thực thi các chính sách giới hạn việc tiếp cận Tây Tạng đối với người nước ngoài. Trung Quốc đã lên án luật này.
XEM THÊM: Đức Đạt Lai Lạt Ma phải nhập việnTheo tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, ông Branstad đã gặp các quan chức chính quyền Trung Quốc và các nhân vật tôn giáo cũng như văn hóa của Tây Tạng, đồng thời nêu lên “các quan ngại lâu nay” về việc thiếu sự tiếp cận Tây Tạng.
Một nữ phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ cũng được Reuters trích lời nói rằng ông Branstad đã “khuyến khích chính phủ Trung Quốc tham gia vào cuộc đối thoại thực chất với Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc đại diện của ông, mà không có điều kiện tiên quyết nào, nhằm tìm ra một giải pháp xử lý các khác biệt”.
Bà cũng nói thêm rằng đại sứ cũng “bày tỏ quan ngại liên quan tới sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc vào quyền tự do của các nhà sư Tây Tạng”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Ấn Độ đầu năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống Trung Quốc và hiện sống lưu vong tại thị trấn Dharamshala ở miền bắc Ấn Độ.