Đặc sứ ASEAN mong chính quyền quân sự Myanmar cho phép gặp phe chống đối

Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokkhonn tại cuộc họp báo của ASEAN hôm 17/2.

Một đặc sứ của khối các nước Đông Nam Á chuyên trách về cuộc khủng hoảng ở Myanmar cho biết hôm thứ Năm 17/2 rằng ông đang tìm cách đến thăm Myanmar vào tháng tới và kêu gọi chính quyền quân sự của Myanmar cho ông được nói chuyện với một chính phủ ảo của phe chống đối mà phía chính quyền quân sự xem là "những kẻ khủng bố".

Prak Sokhonn, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia kiêm đặc sứ mới của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nói rằng việc tiếp xúc, trao đổi với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG), một nhóm gồm các thành viên của chính quyền bị lật đổ và các đối thủ quân sự khác, là việc rất phức tạp vì bị chính quyền quân sự phản đối.

Ông nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN: “Thật bất khả thi khi mà một mặt cố gắng giao kết với bên A, và mặt khác cũng cố giao kết với bên B, song bên B lại bị bên A coi là kẻ khủng bố”.

"Tất nhiên, chúng tôi đang cố gắng tìm cách ... Nếu Naypyitaw không nói chuyện với NUG, vậy hãy để vị đặc sứ nói chuyện với tư cách là cầu nối, là người xúc tiến", ông nói thêm. Naypyitaw là thủ đô Myanmar.

Năm ngoái, ASEAN đã bất ngờ ngăn cản chính quyền quân sự của Myanmar tham gia các cuộc họp quan trọng do không tuân thủ một kế hoạch hòa bình đã thống nhất với khối có 10 nước thành viên, kế hoạch đó bao gồm việc chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và cho phép một đặc sứ xúc tiến các cuộc đối thoại.

Prak Sokhonn nói rằng người tiền nhiệm của ông với tư cách là đặc sứ của ASEAN đã không thể đến thăm Myanmar vì đã có những điều kiện tiên quyết của một số thành viên ASEAN mà các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar thấy là không thể chấp nhận được.

Những điều kiện đó bao gồm việc phải được gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo của chính phủ dân cử bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm ngoái. Bà Suu Kyi đang bị xét xử về nhiều tội danh.

Với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2022, Campuchia đã khiến các nước thành viên lo ngại về việc Thủ tướng Hun Sen muốn giao thiệp trực tiếp với các tướng lĩnh Myanmar, trong đó có chuyến thăm gặp lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing vào tháng trước.

Hôm 16/2, ông Hun Sen nói rằng nếu không có bước đột phá, sẽ không thể có hòa bình ở Myanmar trong nhiều năm.

Prak Sokhonn bảo vệ cách tiếp cận đó và cho biết lần này, các quốc gia ASEAN không nêu ra các điều kiện tiên quyết cho việc ông đến thăm Myanmar.

(Reuters)