Hôm nay (29/3/2022), tờ Lao Động có hai thông tin liên quan đến việc hủy bỏ hai đại dự án dính líu tới đất đai ở hai tỉnh khác nhau: Công ty Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) trả lại Dự án Khu Dân cư trục Mỹ Trà – Mỹ Khê cho chính quyền tỉnh Quảng Ngãi (1) và Tập đoàn Hoa Sen chính thức rút khỏi Dự án Khu Công nghiệp Du Long ở Ninh Thuận (2).
QISC giành được Dự án Khu Dân cư trục Mỹ Trà – Mỹ Khê (tọa lạc tại thành phố Quảng Ngãi) năm 2015 và từng được xem là “mỏ” giúp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi kiếm được một khoản tiền lớn cho ngân sách tỉnh này nhưng đến giờ, “mỏ... tiền” này vẫn chỉ là một bãi đất có diện tích khoảng 20 héc ta dành cho... cỏ dại, bất kể ¾ diện tích đã được san nền, làm đường, thiết lập lưới điện, hệ thống thoát nước!
Tương tự, 407 héc ta ở huyện Thuận Bắc mà tỉnh Ninh Thuận tổ chức thu hồi cách nay 14 năm để thực hiện Dự án Khu Công nghiệp Du Long giờ vẫn dành để nuôi... cỏ. Chín năm đầu (2008 – 2017), 407 héc ta đó nằm trong tay một doanh nghiệp Trung Quốc. Vì dự án vẫn... nằm trên giấy, chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã dàn xếp để doanh nghiệp Trung Quốc ấy chuyển nhượng dự án cho Tập đoàn Hoa Sen và giờ, sau năm năm nắm giữ dự án, Tập đoàn Hoa Sen đã chuyển nhượng dự án cho một doanh nghiệp khác.
Thu hồi đất ồ ạt để đổi hạ tầng, công trình và để thực hiện các dự án phát triển đô thị, xây dựng khu công nghiệp là nguyên nhân tạo ra tạo ra vô số bãi đất hoang (3), thành phố ma (4) ở khắp mọi nơi tại Việt Nam, kể cả Hà Nội (5), TP.HCM (6). Tuy chưa có thống kê đầy đủ để biết một cách tường tận, rằng những dự án “trời ơi, đất hỡi” đó đã tước đoạt sinh kế của bao nhiêu triệu gia đình, khiến bao nhiệu nhiều triệu người lâm vào cảnh bần cùng, ảnh hưởng đến “quốc kế, dân sinh”, bao nhiêu triệu héc ta đất bị bỏ hoang không sinh lợi trong vài thập niên và đã tác động thế nào đến cả sự ổn định lẫn phát triển của kinh tế - xã hội nhưng có thể khẳng định, việc phê duyệt – cho phép thực hiện các dự án đã làm đất đai tăng giá, giúp một nhóm nhỏ quen được gọi là... “nhà đầu tư” hưởng lợi lớn trong ngắn hạn nhờ chênh lệch giá trị. Không chỉ có thế...
***
Tuần trước, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, Dream Republic và Sheen Mega – hai trong số bốn doanh nghiệp giành được quyền khai thác bốn khu đất tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền TP.HCM đem ra đấu giá hồi cuối năm ngoái (7), vừa... “hứa sẽ... cố gắng nộp đủ tiền trong thời gian sớm nhất” (8). Bởi hy vọng sẽ thu được khoảng 8.000 tỉ cho ngân sách nên Cục Thuế TP.HCM vẫn ráng chờ chứ không hủy kết quả đấu giá cho dù khoản tiền chậm nộp (lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất) đã quá hạn khoảng sáu tuần. Đó cũng là lý do chưa rõ cuộc đấu giá bốn khu đất tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm hồi cuối năm ngoái có... “thất bại toàn diện” hay không, cho dù kết quả cuộc đấu giá ấy từng tạo ra giá trị chưa từng có đối với đất đai tại Việt Nam và ngay sau đó tạo ra sự lo âu trên diện rộng đối với cả chính quyền lẫn nhiều giới, kể cả giới kinh doanh bất động sản!
Không phải tự nhiên mà chính quyền Việt Nam yêu cầu một số ngân hàng giải trình về quan hệ với các doanh nghiệp tham gia đấu giá (đã cho vay hoặc hứa cho vay bao nhiêu, mục đích các khoản vay là gì, có phân loại chi tiết về nợ gốc, nợ lãi, kèm phân tích kế hoạch – khả năng trả nợ, phía hỏi vay có nợ xấu – nợ khó trả hay không,...) và công khai bày tỏ sự lo ngại về tình trạng một số doanh nghiệp vay mượn tứ tung, từ ngân hàng đến phát hành giấy mượn nợ (trái phiếu doanh nghiệp), nợ cao gấp nhiều lần vốn thực có, cho nên yêu cầu tổ chức kiểm tra (9). Cũng không phải tự nhiên mà Công ty Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh), rồi Công ty Bình Minh – hai trong bốn doanh nghiệp trúng đấu giá hai trong số bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm xin bỏ cuộc sau khi giành chiến thắng, chấp nhận mất vài trăm tỉ tiền đặt cọc (10).
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn vừa giới thiệu bản phân tích của SSI Research (chuyên nghiên cứu về chứng khoán). Theo báo cáo này, riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 320.000 tỉ đồng với mức lãi suất trung bình từ 10,3%/năm đến 10,6%/năm, thậm chí một số doanh nghiệp bất động sản cam kết trả lãi từ 12%/năm tới 13%/năm (11). Đó cũng là lý do nhiều ngân hàng tại Việt Nam dốc tiền mua trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản nói riêng để hưởng chênh lệch lãi suất khi nhận tiền tiết kiệm và cho vay, bất kể phần lớn trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán. Năm ngoái, hệ thống ngân hàng và công ty chứng khoán đã bỏ 153.000 tỉ mua trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Chẳng riêng các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhìn thấy nguy cơ vỡ nợ dây chuyền khi nhiều ngân hàng dốc tiền mua trái phiếu mà nhiều doanh nghiệp phát hành để có tiền thanh toán nợ cũ đến hạn phải trả, trong đó có tới gần 50% là trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành (12) nhưng vẫn không ngăn được tình trạng gần như toàn bộ nguồn lực của quốc gia, cả công lẫn tư tiếp tục dốc vô và trông vào đất đai – bất động sản. Làm sao có thể hùng cường nếu sự thịnh vượng phụ thuộc vào... giá đất đai – bất động sản? Tuy nhiên làm sao có thể khác khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương dường như chỉ biết mỗi một cách để chứng minh năng lực trí tuệ, năng lực quản trị - điều hành là đặt ra các chỉ tiêu về tăng trưởng rồi dùng đất để hoàn thành những chỉ tiêu ấy!
Chú thích
(1) https://laodong.vn/bat-dong-san/sa-lay-du-an-dat-vang-400-ti-o-quang-ngai-1028381.ldo
(3) https://congthuong.vn/nghe-an-nhieu-khu-cong-nghiep-bi-bo-hoang-173154.html
(6) https://thanhnien.vn/diem-danh-cac-du-an-bo-hoang-dat-post956124.html
(7) https://vnexpress.net/toan-canh-dau-gia-4-lo-dat-vang-thu-thiem-4416081.html