Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên ngày 29/10 bày tỏ tin tưởng về việc hoàn tất giải trừ hạt nhân Triều Tiên, dù có những lo ngại về tiến trình ngoại giao hạt nhân chậm chạp trong những tuần gần đây.
Gặp gỡ người tương nhiệm tại Seoul, đặc sứ Stephen Biegun nói Washington và Seoul cùng chia sẻ mục đích chấm dứt bảy thập niên thù nghịch trên Bán đảo Triều Tiên.
“Đòi hỏi chính đối với chúng tôi để đạt được mục tiêu tối hậu này là thực hiện được việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên cuối cùng, hoàn toàn kiểm chứng được,” ông Biegun nói. “Do đó tôi hoàn toàn tin tưởng là việc này ở trong tầm tay, và tôi nghĩ hai lãnh đạo của chúng ta hoàn toàn đặt trọng tâm vào mục tiêu này.”
Kể từ khi tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân trước đây trong năm, Triều Tiên đã có những biện pháp như ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn, tháo gỡ địa điểm thử nghiệm hạt nhân. Hoa Kỳ hoãn một số cuộc tập trận hàng năm với Hàn Quốc nhưng ngần ngại chưa muốn cung cấp cho Triều Tiên những lợi ích lớn lao về chính trị và kinh tế trừ phi Triều Tiên có thêm những bước giải trừ quân bị nghiêm chỉnh hơn. Triều Tiên đóng cửa địa điểm thử nghiệm hạt nhân được các nhà báo quốc tế chứng kiến nhưng không được các chuyên gia giám sát.
Ngoài ngoại giao hạt nhân, hai nước Triều Tiên, phối hợp với Bộ Chỉ huy Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo đóng tại Hàn Quốc, đang có những bước nhằm giảm bớt căng thẳng quân sự giữa hai đối thủ. Những bước này đạt được trong cuộc họp thượng đỉnh liên Triều trong tháng trước tại Bình Nhưỡng, trong đó có việc giải trừ quân bị tại làng biên giới Triều Tiên, gỡ mìn tại khu vực tiền tuyến để cùng nhau tìm kiếm tử sĩ trong chiến tranh Triều Tiên và thiết lập một vùng đệm dọc biên giới.
Tuần trước, Bộ Chỉ huy Liên hiệp quốc và hai miền Triều Tiên hoàn tất việc rút lui các loại vũ khí tại các trạm gác ở làng biên giới Bàn Môn Điếm. Sau đó 3 bên cùng nhau kiểm chứng các việc làm phi quân sự hóa và các trạm gác được niêm phong ở cả hai phía, Bộ Chỉ huy Liên hiệp quốc nói trong một thông báo ngày 29/10.
Một cuộc họp 3 bên được ấn định vào ngày 30/10 để thảo luận những tiêu chuẩn hành động hỗ tương, duyệt xét kiểm chứng và theo dõi, thông báo cho biết thêm.
Bộ Chỉ huy Liên hiệp quốc có nhiệm vụ giám sát cuộc đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang trú đóng tại Hàn Quốc.