Đường dẫn truy cập

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ở tuổi 86, mang theo ‘bí mật’ về trận Mậu Thân ở Huế?


Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ảnh chụp từ trang web datviet.vn)
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ảnh chụp từ trang web datviet.vn)
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từ trần ở tuổi 86 hôm 24/7 ở thành phố Hồ Chí Minh, báo chí Việt Nam cho biết, dẫn thông tin từ bà Hoàng Dạ Thư, con gái cả của ông Tường.

Các báo, bao gồm cả VNExpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ…, viết rằng ông Tường, lâu nay được ca ngợi ở Việt Nam là nhà văn tài hoa và thành công, đã “ra đi tự nhiên, thanh thản”, theo lời kể của bà Thư. Chỉ mới hơn 2 tuần trước, vợ ông, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, đã tạ thế, hưởng thọ 74 tuổi.

Bà Thư và một đại diện của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế cho báo chí trong nước biết rằng hài cốt của hai vợ chồng nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được đưa về Huế vào ngày 30/7. Huế là nơi sinh của ông Tường, trong khi quê gốc của ông là Quảng Trị.

Vào tối 30/7, giới văn nghệ sĩ sẽ tổ chức đêm thơ để tưởng nhớ hai ông bà. Vợ chồng ông Tường sẽ được an táng tại một nghĩa trang thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế, cách sông Hương khoảng 2 kilomet, gần đồi Vọng Cảnh, tin cho hay.

Điểm lại cuộc đời ông Tường, báo chí Việt Nam viết rằng ông đã “tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ”, từng giữ các chức vụ Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.

Giới văn chương trong nước ghi nhận rằng ông Tường là nhà văn thành công với thể loại bút ký và có những đồng nghiệp đánh giá rằng ông là một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng Việt Nam trong vài chục năm, theo các bài báo trong nước viết về ông sau khi ông qua đời. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

VNExpress dẫn lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người bạn của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, nói rằng ông Tường là “một nhà văn hóa hành văn vô cùng độc đáo” và cũng là “một cuốn từ điển sống về Huế”.

Dưới góc nhìn của ông Tạo, khi đọc văn của ông Tường, “người ta không chỉ thâu nhận đời sống, lịch sử, triết học, kinh tế, hay chính trị mà còn cảm nhận được cả một tình yêu lớn đối với con người, dân tộc và cách mạng".

Nhiều trang mạng xã hội ở Việt Nam, trong đó có NXB Trẻ, VTV24, Đài Phát Thanh, Chuyện Của Hà Nội, Hà Nội Của Tôi, Thả Mình Vào Văn Học, Học Văn Cô Sương Mai, Theanh28 Entertainment, Weibo Việt Nam…, cũng lên tiếng “chia buồn” về việc ông Tường đã trút hơi thở cuối cùng. Các bài đăng đó nhận được hàng chục nghìn phản ứng “yêu”, “thích”, “quan tâm”.

Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, cũng xuất hiện ý kiến của một số người và trang mạng xã hội như datviet.com, Hữu Vinh Ba Sàm, JB Nguyễn Hữu Vinh, Lâm Bình Duy Nhiên…, cho rằng cái chết của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đồng nghĩa là có những “sự thật” về “vụ thảm sát” ở Huế vào Tết Mậu Thân 1968 “mãi mãi ra đi” theo ông.

Nói với báo chí Việt Nam trong những dịp khác nhau, ông Tường cho rằng mình bị “vu khống” là “đồ tể khát máu” khi các lực lượng cộng sản đánh vào Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 và ông xem tai tiếng này như là một “bi kịch cuộc đời” đeo bám ông trong hàng chục năm trời.

Đầu tháng 2/2018, trùng dịp kỷ niệm 50 năm trận Mậu Thân, ông Tường, khi đó 81 tuổi, công bố một thư ngỏ bày tỏ rằng ông sắp “về trời” và “có một điều nếu không nói ra tôi sẽ không yên tâm nhắm mắt”, đó là câu chuyện Mậu thân 1968. Các trích đoạn thư của ông được nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam và nước ngoài đăng lại, trong đó có Dân Trí, BBC…

Trong thư, ông cải chính rằng “Mậu Thân 1968 tôi không về Huế” nhưng nói thêm rằng ông đã mắc “sai lầm” khi trả lời phỏng vấn cho đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” hồi năm 1981 với tư cách một nhân chứng Mậu Thân Huế 1968, trong khi ông “là kẻ ngoài cuộc”.

“Để chứng tỏ mình là người trong cuộc, tôi đã dùng ngôi thứ nhất ‘tôi’, ‘chúng tôi’ khi kể một vài chuyện ở Huế Mậu Thân 68”, theo một trích đoạn từ thư ngỏ.

Ông Tường khẳng định rằng các chi tiết ông đưa ra trong cuộc phỏng vấn “không sai” nhưng cái sai là ở chỗ những người chứng kiến các chi tiết đó không phải là ông Tường và ông chỉ “nghe những người bạn kể lại”. “Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ”, ông viết trong thư ngỏ.

Một sai lầm khác, theo lời ông Tường, là việc “khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ”.

Ông lý giải về động cơ của mình: “Đó là năm 1981, khi còn hăng say cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy”. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, ông Tường đã nhận ra lối tư duy và phát ngôn đó là “sai lầm”. Ông viết: “Đó là sự nguỵ biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968".

Cuối bức thư ngỏ, ông Tường kết luận rằng “Từ hai sai lầm nói trên tôi đã tự rước hoạ cho mình, tự tôi đã đánh mất niềm tin yêu của nhiều người dân Huế đối với tôi, tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống cộng cực đoan vu khống và qui kết tôi như một tội phạm chiến tranh” và ông bày tỏ “Tôi xin thành thật nhìn nhận về hai sai lầm nói trên, xin ngàn lần xin lỗi”.

Trong những lời chia buồn, bình luận về việc ông Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời, không ít người cho rằng dù ông ra đi vĩnh viễn, sẽ vẫn luôn có những đánh giá ngược chiều nhau về ông, nhưng cũng có thể là một số điều gắn với quá khứ của ông sẽ đi vào quên lãng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG