Đường dẫn truy cập

Địa phương đầu tiên ở Mỹ có thể cấm người tị nạn là nơi nào?


Ông Reuben Panchol, di dân người Sudan, hình chụp ngày 6/12/2019, tại Quốc hội bang North Dakota ở Bismarck.
Ông Reuben Panchol, di dân người Sudan, hình chụp ngày 6/12/2019, tại Quốc hội bang North Dakota ở Bismarck.

Ông Reuben Panchol buộc phải rời khỏi đất nước Sudan bị chiến tranh tàn phá cách đây vài thập niên khi còn bé, trải qua hành trình gian khổ cuối cùng đến định cư tại vùng Trung Tây nước Mỹ, và ông biết ơn đất nước đã cưu mang ông.

“Tôi là một công dân Mỹ, một,” ông Pancho, 38 tuổi, cha của 4 đứa con nói. “Và nếu không có North Dakota, tôi không được như ngày nay.”

Hôm nay, 9/12, ông hy vọng chia sẻ câu chuyện của mình với các thành viên của một ủy ban địa phương sắp sửa biểu quyết về chuyện nên hay không ngưng nhận người tị nạn vào quận hạt của họ. Nếu họ bỏ phiếu ngăn chặn người tị nạn như dự tính, quận Burleigh với 95.000 dân và thủ phủ Bismark của bang North Dakota—có thể trở thành chính quyền địa phương đầu tiên làm như vậy kể từ khi Tổng thống Donald Trump ban hành một sắc lệnh cho phép điều này xảy ra.

Tuần trước quận đã hoãn bỏ phiếu khi hơn 100 người xuất hiện, chen chúc nghẹt phòng họp thường lệ của ủy ban. Phiên họp tối ngày 9/12 sẽ được tổ chức tại phòng ăn của một trường trung học để giải quyết mối quan tâm của công chúng mà Chủ tịch ủy ban Brian Bitner mô tả là căng thẳng nhất trong hơn một thập niên của ủy ban.

Dù ông từ chối không tiên đoán ủy ban sẽ đi theo chiều hướng nào, nhưng ông Bitner nói ông sẽ bỏ phiếu chống lại việc nhận thêm người tị nạn.

“Đa số ý kiến quần chúng quá rõ đến nỗi tôi nghĩ rằng nếu bỏ phiếu đồng ý cho nhận thêm người tị nạn thì sẽ khó đắc cử nếu ra tái tranh cử,” ông Bitner nói.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump được ban hành vào mùa thu năm nay giữa lúc ông đã đề nghị cắt bớt con số người tị nạn còn ở mức thấp nhất kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Người tị nạn vào năm 1980. Ông tuyên bố là người tị nạn sẽ chỉ được tái định cư tại những nơi mà chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương - các quận hạt - đồng ý.

Kể từ đó, nhiều thống đốc và quận hạt trên nước Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục nhận người tị nạn.

Tháng trước, Thống đốc bang North Dakota, một người bên đảng Cộng hòa với ông Trump, cho biết bang này sẽ tiếp tục nhận người tị nạn khi thẩm quyền tư pháp địa phương đồng ý và phát ngôn viên của ông cho biết Thống đốc xem đây là quyết định của địa phương. Ít lâu sau đó, quận Cass và quận Grand Forks tuyên bố tiếp tục nhận người tị nạn. Thị trưởng Fargo, thành phố lớn nhất của tiểu bang, ông Tim Mahoney, tuyên bố cần người tị nạn để đẩy mạnh nền kinh tế của thành phố và rằng 90% người tị nạn có việc làm toàn thời gian trong vòng 3 tháng sau khi định cư trong thành phố này.

Tuy nhiên ý kiến này nhanh chóng bị chống đối tại quận Burleigh bảo thủ hơn. Trong số những người chống đối có dân biểu Cộng hòa tiểu bang Rick Becker của Bismark, một người cực kỳ bảo thủ đã lên mạng xã hội chỉ trích chương trình nhận người tị nạn là có thể làm cạn kiệt những chương trình dịch vụ xã hội, trường học và lực lượng thi hành luật pháp, dù quận nói là không theo dõi bất cứ chi phí nào trực tiếp liên hệ đến người tị nạn.

Trong khi đó, Thị trưởng Bismarck, Steve Bakken, nói ông đứng về phía những người muốn ngăn người tị nạn.

Bà Shirley Dykshoorn, phó chủ tịch Dịch vụ Xã hội Lutheran, phụ trách các trường hợp tái định cư ở North Dakota, nói cơ quan bà thường giải quyết 400 trường hợp mỗi năm, nhưng con số này xuống còn 124 tính tới tháng 9, kết thúc năm tài chánh 2019. Chương trình này có mặt tại North Dakota từ năm 1948.

Trong nhiều thập niên, North Dakota xem việc gia tăng dân số bằng bất kỳ hình thức nào cũng là một điều tốt. Dân số tiểu bang này sụt giảm hơn 21.000 người từ năm 2000 đến 2007 cho đến khi có một sự bùng nổ về dầu mỏ khiến công nhân đổ xô đến đây. Nhiều công ăn việc làm còn thiếu nhân công dù tiểu bang đã thêm được gần 100 ngàn cư dân trong thập niên qua.

VOA Express

XS
SM
MD
LG