Đường dẫn truy cập

Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm ‘mất’ hay ‘làm gì có’?


Thủ Thiêm, trung tâm tài chính tương lai của TP HCM. Lãnh đạo thành phố cho biết bản đồ cách đây 20 năm của khu vực này bị thất lạc nhưng quy hoạch vẫn diễn ra trong hơn 1 thập kỷ qua gây bức xúc trong nhân dân. (ảnh của NamPhatLand)
Thủ Thiêm, trung tâm tài chính tương lai của TP HCM. Lãnh đạo thành phố cho biết bản đồ cách đây 20 năm của khu vực này bị thất lạc nhưng quy hoạch vẫn diễn ra trong hơn 1 thập kỷ qua gây bức xúc trong nhân dân. (ảnh của NamPhatLand)

Trong khi lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh thông báo bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm cách đây hơn 20 năm bị thất lạc và đang được truy tìm thì một quan chức của Thanh tra Chính phủ cho rằng bản đồ này “làm gì có mà tìm.”

Các báo trong nước hôm 3/5 đồng loạt đưa tin việc thất lạc chiếc bản đồ của khu đô thị mới, nơi được coi là khu vực quan trọng nhất trong chiến lược phát triển hiện đại của thành phố đông dân nhất Việt Nam, và cho rằng đây là “một tin rất sốc”. Tuổi Trẻ nhận định đây là “chuyện chấn động, chưa từng xảy ra.”

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho các phóng viên biết tại một buổi họp báo hôm 2/5 rằng “bản đồ này hiện không tìm ra.” Ông được các báo mạng trong nước trích lời nói rằng “thành phố đã chỉ đạo các sở ngành rà soát từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây, và báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp để có ý kiến.”

Bản đồ này cùng với Quyết định 367 của Thủ tướng ký ngày 4/6/1996 là 2 văn bản pháp lý về quy hoạch dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. Tuy nhiên theo ông Nhã được Dân Trí trích lời nói “từ năm 1995 đến nay do nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên họ cho biết không lưu trữ tấm bản đồ.”

Cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng “theo một tư duy quy hoạch nghiêm túc”, việc “thất lạc” hay “quy hoạch mà không có bản đồ” nghe “lạ tai.”

“Tại sao lại thất lạc ở tất cả các cơ quan Trung ương, kể cả văn phòng chính phủ, kể cả bộ Xây dựng và những cơ quan chịu trách nhiệm có liên quan đến quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch này. Kể cả lưu trữ quốc gia cũng không có thì đúng là chuyện lạ,” theo ông Võ.

Luật sư Nguyễn Đức nói với Tuổi Trẻ rằng “việc thất lạc tấm bản đồ quan trọng này xảy ra ở các sở ngành và Văn phòng UBND TP HCM là chuyện khó hiểu, còn nếu nói cả các bộ và Văn phòng Chính phủ cũng mất thì không bình thường.”

Theo cựu Thứ trưởng Võ, cũng là một tiến sỹ khoa học, điều này “có thể minh giải được ý kiến của một vị bên Thanh tra [Chính phủ] nói rằng không hề có bản đồ.”

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng ban Tiếp công dân trung ương của Thanh tra Chính phủ, nhận định với Dân Trí rằng “không có” bản đồ này. Ông Điệp cho rằng “nói với dân mãi là thất lạc bản đồ quy hoạch là không đúng. Đừng có nói thế, bây giờ phải nói là không có.”

Mặc dù không có bản đồ nhưng trong hơn 1 thập kỷ qua, thành phố HCM vẫn tiến hành giải tỏa đất và quy hoạch khu vực này.

Theo ghi nhận của Zing, 12.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi bản đồ quy hoạch bị thất lạc.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 657ha. Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, để đầu tư dự án này thành phố đã mất hơn 10 năm để giải phóng mặt bằng với khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Thành phố đã chi gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.

Có nhiều ý kiến trong nhân dân phê phán về mặt trách nhiệm của lãnh đạo thành phố và nghi ngờ có những “khuất tất liên quan đến việc thu hồi đất của những người hiện đang thuộc diện thu hồi đất để quy hoạch phát triển đô thị Thủ Thiêm,” theo GS Võ.

Trả lời Dân Trí, ông Điệp nói rằng trong suốt những năm qua, người dân đã khiếu nại “chủ yếu về việc không nằm trong quy hoạch” mà chính quyền lại “thu hồi đất của họ nằm ngoài quy hoạch.”

Nhà thờ cổ Thủ Thiêm là một trong những “lô đất vàng” nằm trong diện bị quy hoạch cho dự án đô thị mới này. Hôm 2/5, Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách về lĩnh vực truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nói với VOA rằng quyết định quy hoạch, giải tỏa nhà thờ và tu viện ở Thủ Thiêm có quá nhiều vấn đề khuất tất và cần phải được bàn thảo.

“Chúng ta phải nghiêm túc tìm xem sự thật của việc không có bản đồ hay có mà thất lạc để trả lời cho dân. Điều này phải làm cho rất rõ ràng và minh bạch,” cựu thứ trưởng Võ nói với VOA.

Ông Võ cho rằng: “Phải tìm trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như các tài liệu kèm theo có nói gì đến cái bản đồ 1/5000 hay không. Nếu có nói đến có nghĩa là có, còn không nói đến có nghĩa là không có.”

Công luận trong nước hiện đang kêu gọi Bộ Công an vào cuộc điều tra, xác minh và làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc mất tài liệu đặc biệt quan trọng này và xử lý các cá nhân có liên quan.

Việt Nam bán đấu giá thuốc lá lậu
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:14 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG