Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/11 buộc ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp, phải thôi chức trong nỗ lực cải tổ nội các sau khi để Hạ viện rơi vào tay Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ, New York Times loan tin.
Ông Sessions là một trong những người ủng hộ ông Trump sớm nhất và mạnh mẽ nhất. Việc từ chức này đã chấm dứt mối quan hệ ‘cơm không lành, canh không ngọt’ giữa hai ông kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống. Mối quan hệ này đã đi xuống trở thành một trong những cuộc đối đầu công khai căng thẳng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ giữa một vị tổng tư lệnh và một thành viên cao cấp trong nội các.
Trong lúc này, quyền Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker sẽ giám sát tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp, trong đó có cả cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, AP dẫn lời nữ phát ngôn nhân Sarah Isgur Flores của Bộ này cho biết.
Đơn từ chức của ông Sessions được đưa ra sau yêu cầu của Tổng thống và đã được nộp cho ông John Kelly, chánh văn phòng Nhà Trắng.
“Thưa Ngài Tổng thống, theo yêu cầu của Ngài tôi đệ đơn từ chức,” ông Sessions viết trong đơn.
Với việc Đảng Cộng hòa vẫn giữ được thế đa số sau bầu cử giữa kỳ, ông Trump sẽ dễ dàng thông qua đề cử mới cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.
Lá đơn từ chức này được đưa ra chỉ chưa đầy một giờ sau một cuộc họp báo của ông Trump mà khi đó ông được hỏi liệu hai ông Sessions và Rod J. Rosentein, Thứ trưởng Tư pháp, có được đảm bảo vẫn giữ nguyên vị trí hay không. Ông Trump đã né tránh câu hỏi này. “Tôi sẽ trả lời câu hỏi này vào lúc khác,” ông nói.
Tổng thống Trump thường xuyên công kích Bộ Tư pháp và bản thân ông Sessions và quy lỗi cho ông về cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga.
Trong nhiều tháng, ông Trump đã nói là ông muốn thay ông Sessions, nhưng các nhà lập pháp và các quan chức trong nội các của ông tin rằng sa thải Bộ trưởng Tư pháp trước bầu cử giữa kỳ sẽ có hậu quả tiêu cực đối với Đảng Cộng hòa trong cuộc đua sít sao. Cho nên không có gì bất ngờ khi ông Sessions từ chức chỉ một ngày sau bầu cử.
Ông Trump chỉ trích việc ông Sessions rút lui khỏi vai trò giám sát cuộc điều tra của ông Robert Mueller trong giai đoạn đầu, dẫn đến việc chỉ định một Công tố viên đặc biệt.
“Ông ấy nhận lấy công việc này rồi nói: ‘Tôi sẽ rút ra khỏi cuộc điều tra.’ Tôi nói: ‘Ông ta là người thế nào vậy?’,” ông Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn trong năm nay trên kênh Fox News. “Tôi muốn không dính líu gì, nhưng khi mọi người nhìn thấy điều gì đang xảy ra ở Bộ Tư pháp, tôi sẽ luôn bỏ hai chữ ‘công lý’ trong dấu ngoặc kép.”
Thông tường sau vụ từ chức như vậy, Thứ trưởng Tư pháp Rod J. Rosentein giờ đây sẽ là chọn lựa hàng đầu để làm quyền Bộ trưởng Tư pháp, tuy nhiên ông Trump cũng đã công khai than phiền về ông Rosentein, người phụ trách giám sát cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt sau khi ông Sessions rút lui.
Động thái này sẽ dọn đường cho ông Trump sa thải ông Mueller. Để sa thải Công tố viên đặc biệt, ông Trump có thể ra lệnh cho ông Rosentein làm việc này. Tuy nhiên, ông Rosentein đã nói rằng ông không thấy lý do gì để sa thải ông Mueller.
Hồi tháng 2 năm 2016, ông Sessions lúc đó là thượng nghị sỹ đương nhiệm đầu tiên ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump và trong nhiều tháng trong giai đoạn tranh cử, ông đã trở thành một trong những cố vấn an ninh quốc gia thân cận nhất của ông Trump.
Sau khi ông Sessions rút ra khỏi cuộc điều tra của ông Mueller, ông Trump đã không bao giờ tha thứ cho ông. Sau đó, ông Trump thường xuyên lên án ông Sessions nặng nề trên Twitter và trong những lời tuyên bố công khai. Có nhiều khi ông Trump gọi ông Sessions là ‘nhục nhã’ và ‘rất yếu kém’ và ‘ngập ngụa trong khó khăn’.
Ông Trump cũng công khai thúc giục ông Sessions mở cuộc điều tra về đối thủ của ông là bà Hillary Clinton và các thành viên khác của Đảng Dân chủ nhưng ông Sessions đã không làm theo. Sau đó, ông Trump đã công khai thóa mạ ông Sessions. Nhiều thành viên của lưỡng đảng đã cho rằng Tổng thống Trump đã vứt bỏ yêu cầu độc lập theo truyền thống của các cơ quan thực thi pháp luật trong những vụ truy tố có động cơ chính trị.