Hôm 18/12, Chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ đang xem xét các báo cáo về cưỡng bức lao động tại một trại thực tập Trung Quốc nơi các lao động dân tộc thiểu số may quần áo xuất khẩu cho thị trường Hoa Kỳ.
Hãng tin AP trích một thông cáo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (USCBP) cho biết trong một tuyên bố rằng dường như có sự liên kết giữa các trại thực tập ở khu vực miền Tây Trung Quốc với việc một công ty Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa do các lao động bị cưỡng bức làm ra.
Hãng tin AP đã truy xuất xứ các chuyến hàng từ một nhà máy trong một trại lao động ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc đến công ty nhập khẩu trang phục thể thao Badger Sportswear ở bang North Carolina. Công ty này sau đó phân phối quần áo thể thao đến các trường đại học, cao đẳng và trường học trên khắp Hoa Kỳ.
Các chuyên gia và một tổ chức nhân quyền nói rằng có thể có tới 1 triệu người dân tộc Uighurs, người Kazakhstan và những người khác từ các nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi bị giam giữ tùy tiện trong các trại tập trung, mục đích là để truyền bá tư tưởng chính trị cũng như cưỡng bức lao động.
Sau khi báo chí đưa tin về vụ này, công ty Badger nói rằng họ đã tạm ngưng kinh doanh với nhà cung cấp Hetian Taida Apparel của Trung Quốc. Công ty này cho biết đang điều tra vụ việc. Trong một tuyên bố trên trang web, công ty Badger cho biết Hetian Taida Apparel cung cấp “1% hoặc ít hơn” trong số các sản phẩm của Badger.
Nhập khẩu các sản phẩm từ lao động cưỡng bức là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. USCBP cho biết một phần trong nhiệm vụ của họ nhằm thực thi cả “hai đạo luật để bảo vệ các cá nhân không bị lao động cưỡng bức và nền kinh tế của chúng ta không cho phép các doanh nghiệp trục lợi từ hình thức nô lệ hiện đại này.”