Đường dẫn truy cập

Blogger Trương Duy Nhất bị khởi tố vì ‘lạm dụng quyền hạn’ 15 năm trước


Công an khám nhà blogger Trương Duy Nhất vào chiều ngày 10/6/2019
Công an khám nhà blogger Trương Duy Nhất vào chiều ngày 10/6/2019

Công an Việt Nam hôm 10/6 khởi tố bị can và khám nhà ông Trương Duy Nhất, 55 tuổi, với cáo buộc ông đã có hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” từ hồi năm 2004.

Nhà báo Võ Văn Tạo, từng nhiều năm là hội thẩm nhân dân, nhận định với VOA rằng đây là một động thái của chính quyền nhằm “dập tắt tiếng nói” của ông Nhất, một nhà báo, blogger nổi tiếng chuyên phân tích, bình luận về các vấn đề chính trị, xã hội của Việt Nam.

Các bản tin của Dân Trí, Zing News, VnExpress và nhiều báo Việt Nam cho hay, các điều tra viên của Bộ Công an khám nhà ông Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng hồi đầu giờ chiều ngày 10/6. VOA cố gắng liên lạc với bà Cao Thị Xuân Phương, vợ ông Nhất, để hỏi thêm thông tin nhưng không kết nối được.

Theo truyền thông trong nước, việc khám xét kể trên là một phần của cuộc điều tra mở rộng về những hành vi tội phạm của ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ “Nhôm”, một đại gia đất đai đang chịu án tù tổng cộng hàng chục năm vì “gây thất thoát tài sản” và “làm lộ bí mật nhà nước”.

Vẫn theo các bản tin, ông Nhất bị cáo buộc là vào các năm 2003 và 2004, thời điểm ông còn giữ chức Trưởng đại diện báo Đại đoàn kết tại Đà Nẵng, ông đã “lợi dụng giấy tờ” của báo để “mua bán nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí”.

Tôi nghĩ rằng họ làm điều này chủ yếu là để dập tắt một ngòi bút.Khi anh Trương Duy Nhất ra tù, anh vẫn tiếp tục phản biện một cách gay gắt, cho nên họ muốn bẻ gãy ngòi bút đó.
Nhà báo Võ Văn Tạo

Cụ thể, năm 2003, ông Nhất gửi công văn đến chính quyền Đà Nẵng xin mua căn nhà số 82 Trần Quốc Toản thuộc diện công sản để làm văn phòng đại diện cho báo Đại Đoàn Kết. Vào đầu năm 2004, Ủy ban Nhân dân thành phố đồng ý bán, theo các báo trong nước, nhưng chỉ ít lâu sau căn nhà lại được chuyển nhượng cho một công ty của ông Phan Văn Anh Vũ, trở thành nhà riêng của ông Vũ cho đến khi ông này bị bắt hồi đầu năm 2018.

Trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng 3 năm nay, Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, cho biết, bộ này “bước đầu xác định” làông Nhất “có liên quan” đến hành vi tội phạm của Vũ “Nhôm”, đại gia có xuất thân là cán bộ công an.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với VOA hôm 10/6, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo cho rằng việc bắt giữ, khởi tố ông Trương Duy Nhất “có những điểm không ổn” vì người có thẩm quyền bán trụ sở của văn phòng đại diện là ông Đinh Đức Lập, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết ở thời điểm đó, trong khi ông Nhất chỉ là trưởng đại diện, “không có thẩm quyền bán như vậy”.

Vụ mua bán này đã làm một số nhà báo làm việc tại văn phòng đại diện “bất bình” và “tố cáo” ông Lập, chứ không tố cáo ông Nhất, nhà báo Võ Văn Tạo nhớ lại.

Tỏ ra “ngạc nhiên” về việc chính quyền điều tra một vụ việc đã xảy ra cách đây 15 năm, ông Tạo, người thường lên tiếng ủng hộ các quyền tự do và tiến bộ ở Việt Nam, cho rằng chính quyền “có mục đích khác” nhằm vào nhà báo, blogger Trương Duy Nhất.

Ông Tạo nói:

“Tôi nghĩ rằng họ làm điều này chủ yếu là để dập tắt một ngòi bút.Khi anh Trương Duy Nhất ra tù, anh vẫn tiếp tục phản biện một cách gay gắt, cho nên họ muốn bẻ gãy ngòi bút đó”.

Hồi giữa năm 2013, ông Nhất bị nhà chức trách bắt vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của nhà nước”. Tiếp đó, năm 2014, ông bị kết án tù và mãn hạn vào tháng 5/2015.

Phía nhà nước cáo buộc rằng các bài viết đăng trên trang blog cá nhân của ông Nhất có nội dung “không đúng sự thật”, “xuyên tạc”, “ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước”, “gây hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước”.

Họ là những cái gai trong con mắt nhà cầm quyền Việt Nam và chính quyền đôi khi sẵn sàng sử dụng ‘đòn đánh dưới thắt lưng’ để loại bỏ họ.
Nhà báo Võ Văn Tạo

Trong quan điểm của mình, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng chính quyền Việt Nam cũng như các chế độ toàn trị khác “chỉ cho phép” người dân “ca ngợi, tung hô, biết ơn” họ, trong khi “không cho phép nói lên sự thật, phê phán, chỉ trích, tố cáo”. Những ai làm trái sẽ bị chính quyền “hãm hại”, “tìm cách cho vào tù”, ông Tạo nói.

Nhà báo này cũng so sánh vụ bắt giữ, khởi tố ông Trương Duy Nhất với các vụ bắt bớ, bỏ tù blogger Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, và luật sư Cù Huy Hà Vũ, những người cũng thường lên tiếng vì tự do, dân chủ hay phản biện các chính sách của Việt Nam.

“Họ là những cái gai trong con mắt nhà cầm quyền Việt Nam và chính quyền đôi khi sẵn sàng sử dụng ‘đòn đánh dưới thắt lưng’ để loại bỏ họ”, ông Tạo nói với VOA.

Hồi tháng 4/2014, luật sư bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ đã bất ngờ được chính quyền Việt Nam thả khỏi nhà tù sau khi ông mới ngồi tù 3 năm trên tổng số 7 năm của án tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Vũ đã đi Mỹ ngay sau khi rời nhà tù.

Trong cùng năm, vào tháng 10, điều tương tự cũng diễn ra với blogger Điều Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, khi ông được tha tù và đi Mỹ sau 6 năm bị giam giữ vì các tội "trốn thuế" và "phổ biến thông tin cùng các tài liệu chống nhà nước".

VOA Express

XS
SM
MD
LG