Đường dẫn truy cập

CPJ: Việt Nam trong số 10 nước kiểm duyệt truyền thông gắt gao nhất thế giới


Ảnh minh họa_ Quyền tự do biểu đạt. Một nhà báo giơ cao hai tay bị trói trong một cuộc biểu tình đòi tự do báo chí ở Karachi ngày 17/11/2007. REUTERS/Mohsin Hassan
Ảnh minh họa_ Quyền tự do biểu đạt. Một nhà báo giơ cao hai tay bị trói trong một cuộc biểu tình đòi tự do báo chí ở Karachi ngày 17/11/2007. REUTERS/Mohsin Hassan

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia kiểm duyệt truyền thông gắt gao nhất trên thế giới, theo một báo cáo đặc biệt do Tổ chức Bảo vệ các Ký giả (CPJ) công bố hôm 10/9/2019.

Các nước có tên trên danh sách được cho là đã hạn chế nghiêm ngặt các phương tiện truyền thông độc lập và hăm dọa các nhà báo, bịt miệng họ bằng hình phạt bỏ tù, dùng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi hoặc sách nhiễu họ dưới nhiều hình thức.

Theo Tổ chức Bảo vệ các Ký giả, thì Việt Nam và Trung Quốc cùng với Ả Rập Xê-út và Iran, là 4 nước bị nêu đích danh là “đặc biệt tinh vi trong việc thực hành hai hình thức kiểm duyệt, là bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo và gia đình họ”, ngoài việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giám sát và kiểm duyệt mạng lưới thông tin internet cũng như truyền thông xã hội.

CPJ nhắc nhở rằng theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mọi con người đều có quyền tìm và tiếp nhận thông tin, và quyền tự do biểu đạt.

Tổ chức Bảo vệ các Ký giả nói rằng 10 nước bị nêu tên đã không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế khi nghiêm cấm hoặc giới hạn khắt khe truyền thông độc lập, và bịt miệng các nhà báo. Tại những nước này, nạn tự kiểm duyệt rất phổ biến.

Ba nước bị xếp ở cuối sổ, đàn áp báo chí nghiêm ngặt nhất, là Eritrea, Triều Tiên và Turkmenistan, nơi mà truyền thông “chỉ là cái loa của nhà nước, và tất cả mọi cơ sở truyền thông độc lập đều phải hoạt động ở ngoài nước”.

Các nhà báo nước ngoài hiếm hoi được cho phép nhập cảnh thì bị giám sát chặt chẽ.

Việt Nam xếp hạng 6 trong 10 nước, thuộc nhóm được xếp đứng trên nhóm ba nước đội sổ. Giám đốc điều hành của CPJ, ông Joel Simon, tố cáo chính phủ các nước này là kết hợp các biện pháp kiểm duyệt truyền thống với công nghệ mới để bóp nghẹt đối lập và kiểm soát truyền thông.

Các nước này, theo CPJ, sử dụng một loạt chiến thuật đàn áp như sách nhiễu, bỏ tù tùy tiện các nhà báo và gia đình họ, đồng thời sử dụng công nghệ số để giám sát và kiểm duyệt internet và truyền thông xã hội.

Phúc trình của CPJ nói tại Việt Nam, chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo sở hữu và kiểm soát mọi phương tiện truyền thông, kể cả báo chí và truyền thanh/truyền hình.

Nhà nước đã tung ra một loạt đạo luật hay sắc lệnh để bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích nhắm vào chính phủ, các chính sách của nhà nước, hoặc thành tích của các quan chức nhà nước.

Luật báo chí VN năm 2016 xác định rằng báo chí phải phục vụ Đảng Cộng sản và nhà nước, phải là tiếng nói của đảng, các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước.

CPJ nói rằng luật an ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019, là một vũ khí để nhà nước chống lại mọi thông tin bất lợi cho họ trên mạng và bóp nghẹt quyền tự do báo chí.

Từ khi luật an ninh mạng có hiệu lực, các thông tin trên truyền thông trong nước cho thấy người dân thường xuyên bị triệu tập, bị bắt giữ và khởi tố vì đưa những thông tin lên mạng xã hội bị chính quyền cho “sai sự thật hoặc nhằm mục đích chống Đảng và Nhà nước”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG