Đường dẫn truy cập

Tết ‘buồn’ vì Covid tái bùng phát


Ảnh tư liệu - Một đầu phố Hàng Mã được quây lại để biến thành chợ hoa Tết truyền thống.
Ảnh tư liệu - Một đầu phố Hàng Mã được quây lại để biến thành chợ hoa Tết truyền thống.

Chỉ còn khoảng tuần nữa là đến Tết Tân sửu 2021. Vào thời điểm này, thay vì đua nhau đi mua sắm biếu Tết thì nhiều hộ gia đình tại nhiều địa phương lại đang bó gối trong nhà vì nỗi lo Covid.

Từ 27/1 đến nay Việt Nam phát hiện thêm gần 350 ca Covid, khiến ngay cả những người lạc quan cũng không khỏi lo lắng.


Chiều tối 3/2, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 20 ca nhiễm mới. Như vậy, từ 27/1 đến nay Việt Nam phát hiện thêm gần 350 ca Covid, khiến ngay cả những người lạc quan cũng không khỏi lo lắng.

Trước thực tế đó, nhiều người cho biết một cái Tết ‘chưa từng có’ đang diễn ra tại Hà Nội, khi mà hầu hết các đường phố trung tâm đều ‘vắng tanh vắng ngắt’ thay cho cảnh tắc đường, ồn ào, hối hả cận Tết như thường thấy.

Chị Nguyễn Thu Huyền, một cư dân ở khu đô thị Time City, quận Hai Bà Trưng, cho biết khu chung cư chị sinh sống cũng thuộc diện phải hạn chế đi lại, nhưng do nhu cầu công việc cấp bách nên hàng ngày chị vẫn tới văn phòng và thực sự ngỡ ngàng trước khung cảnh đường phố Hà Nội những ngày này.

“Hàng ngày mình từ nhà xuống thẳng hầm để xe và lái xe đến chỗ làm. Cứ im lìm thế thôi, không gặp gỡ, không chào hỏi và thăm viếng ai cả. Tất cả đường phố hầu như đều im lìm, vắng vẻ. Thật sự rất là lạ lùng,” chị Huyền chia sẻ với VOA.

Theo nhiều người, tình trạng người dân ngại ra đường và sự hạn chế đi lại giữa các địa phương trong những ngày giáp Tết có thể giúp khống chế được sự lây lan của Covid phần nào, nhưng ngược lại, đang khiến cho nhiều người bị kẹt lại tại thành phố, không thể về quê ăn Tết.

Anh Nguyễn Việt Phương, một phóng viên lâu năm tại Hà Nội, cho biết năm nay anh cùng gia đình quyết định ăn Tết ở Hà Nội và đón cả bố mẹ từ quê lên, thay vì về quê ăn Tết như mọi khi. Anh cảm thấy may mắn vì quyết định sớm, chứ nếu để đến thời điểm này mới quyết thì có thể bố mẹ anh cũng không dám đi mà cũng có thể không đi được. Nếu anh về quê thì nhiều khả năng anh lại bị cách ly đến hết Tết cũng chưa xong.

Việc đường phố Hà Nội vắng lặng trong những ngày giáp Tết này đang đẩy một số gia đình kinh doanh rơi vào cảnh buôn bán ảm đạm, ế ẩm và ‘mất Tết.’


Tuy nhiên, quan trọng hơn, theo anh Phương, việc đường phố Hà Nội vắng lặng trong những ngày giáp Tết này đang đẩy một số gia đình kinh doanh rơi vào cảnh buôn bán ảm đạm, ế ẩm và ‘mất Tết.’

“Nhiều người, người ta chỉ trông vào dịp Tết để kiếm chút đỉnh mà bây giờ dịch bệnh như thế này không ai muốn ra đường, mua sắm gì thì chết rồi. Ví dụ như những nhà hàng, quán bia rượu, karaoke thì bị đóng cửa hết rồi, không được hoạt động, mà có không đóng thì cũng không có khách cơ. Rồi những người buôn bán hoa Tết như đào, quất hay các loại trái cây phục vụ Tết chẳng hạn. Giờ thì bán cho ai, ai mua? Người ta trông vào dịp Tết mà thế này thì đúng là mất hết Tết rồi,” anh Phương cho biết thêm.

Chị Phạm Thị Hằng, một chủ tiệm kinh doanh nhỏ trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết năm nay gia đình chị không nhập hàng Tết về bán nữa vì nhắm trước tình hình dịch Covid có thể quay trở lại. Vì thế mà khoản thu nhập không nhỏ trước dịp Tết mỗi năm hoàn toàn không có. Thân phụ của chị tại quê nhà Hải Dương bị nhiễm Covid sau một chuyến đi ăn cưới cùng người họ hàng là F0 tại Hải Phòng. Hiện cả nhà chị rất lo lắng, không còn tâm trạng đón Tết. Mọi giúp đỡ từ bố mẹ chị ở Hải Dương cũng hoàn toàn bị cắt đứt.

“Bây giờ, ông thì đi bệnh viện cách ly rồi. Cả gia đình có mẹ và mấy chị em thì được yêu cầu ở lại nhà. Cơ quan y tế người ta khoá cửa, cầm chìa khoá không cho ai ra ngoài. Mấy người em khác ở riêng thì hàng ngày phải tiếp tế, đồ ăn đem đến để cửa, rồi gọi báo cho mẹ chị lấy, chứ không đi đâu được cả. Hôm trước bà gọi điện nói 27 gửi lên mấy con gà, ít giò chả và bánh chưng để cho ăn Tết thì bây giờ thôi rồi,” chị Hằng chia sẻ lo lắng.

Chẳng ai buồn nghĩ tới chuyện sắm sửa, ăn uống, chúc tụng gì nữa mặc dù Tết đang đến rất gần.


Cũng theo chị Hằng, phần lớn các gia đình họ hàng và hàng xóm láng giềng của chị đều gặp khó khăn. Người thì có vấn đề sức khoẻ, người thì làm ăn buôn bán thất bát cả năm nay do Covid giống như gia đình chị, nên chẳng ai buồn nghĩ tới chuyện sắm sửa, ăn uống, chúc tụng gì nữa mặc dù Tết đang đến rất gần. Chị Hằng nói đây là cái Tết buồn và ảm đạm nhất từ ngày chị đặt chân lên Hà Nội cách nay đã gần 20 năm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG