H Xuân Siu nằm bất động trên giường bệnh. Các bác sĩ trước đó đã đặt ống nội khí quản và đưa em vào phòng điều trị tích cực ICU vì em ngừng thở sau khi nôn mửa. Mức độ tỉnh táo của em đạt 3/15 theo thang điểm hôn mê Glasgow, nghĩa là hoàn toàn không có đáp ứng. Hai lần em xét nghiệm virus corona đều cho kết quả âm tính.
Chín ngày sau đó, tim em ngừng đập. Mọi nỗ lực hồi sinh tim đều thất bại. Em được tuyên bố tử vong lúc 12 giờ 30 phút, sáng ngày 18 tháng 7 năm 2021 “do tim ngừng đập, thiếu oxy trong phổi, và thuyên tắc phổi,” theo báo cáo của Bệnh viện Burj Al Shimal (North Medical Tower) ở thành phố Arar thuộc miền bắc Ả-rập Xê-út.
Cô bé chỉ mới 17 tuổi hơn.
Cái chết của H Xuân, một công dân Việt Nam dân tộc Gia Rai đi xuất khẩu lao động qua Ả-rập Xê-út làm người giúp việc nhà, là kết cục bất hạnh cho ước nguyện thiết tha được về nước sau những nỗ lực tuyệt vọng thoát khỏi điều mà em nói là sự bạo hành thể xác từ gia chủ.
Sự việc này cũng hé lộ cách thức mà ít nhất một công ty tuyển dụng lao động ở Việt Nam đang sử dụng nhằm chiêu dụ các thiếu nữ thuộc sắc dân thiểu số từ những vùng quê nghèo hẻo lánh tham gia lực lượng lao động xuất khẩu ngày càng đông, dù một số em chưa đủ tuổi theo quy định của luật pháp Việt Nam.
VOA trước đây đã đưa tin các trường hợp nữ lao động Việt Nam làm việc ở Ả-rập Xê-út báo cáo bị chủ ngược đãi dẫn tới những tổn thương về thể xác và tinh thần. H Xuân Siu dường như là trường hợp đầu tiên được biết tới mà nạn nhân là trẻ vị thành niên tử vong khi đi lao động ở nước ngoài.
VOA có được các tài liệu liên quan đến nhân thân của H Xuân Siu và phát hiện năm sinh của em đã bị thay đổi trên hộ chiếu để làm cho em lớn hơn tuổi thật, dẫn tới những sai lệch trên các văn bản của nhà chức trách ở Ả-rập Xê-út và Việt Nam.
Một đại diện của Công ty Cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế Vinaco có trụ sở ở Thanh Hóa, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa H Xuân đi lao động, nói bà không hề biết em là trẻ vị thành niên khi bà đến địa phương tuyển mộ em, mặc dù công ty thu thập giấy tờ tùy thân của người lao động để nộp hồ sơ xin hộ chiếu cho họ.
Hơn hai tháng sau khi H Xuân qua đời, thi thể của em vẫn chưa được đưa về nước. Một quan chức Sở Cảnh sát Arar Al Gharbi phụ trách thông báo cái chết của em hồi tháng 7 xác nhận với VOA qua điện thoại ngày 1 tháng 10 rằng thi thể em vẫn còn ở Bệnh viện Burj Al Shimal.
Một quan chức phụ trách bảo hộ công dân tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Riyadh, hồi đáp email của VOA vào ngày 3 tháng 10 sau khi bài báo này được đăng tải, cũng xác nhận thi thể của em đang “được bảo quản tại bệnh viện chờ xử lý,” nói thêm rằng các thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất trước khi tiến hành việc hồi hương.
Ra nước ngoài làm ô-sin từ tuổi 15
Luật năm 2020 của Việt Nam mang tên ‘Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng’ định nghĩa những người hội đủ điều kiện là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam. Một điều khoản trong luật này quy định thêm rằng người đi lao động ở nước ngoài phải có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ.”
Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, theo định nghĩa trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Những người thành niên đủ 18 tuổi trở lên được nói là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Căn cứ trên những quy định này, việc tuyển dụng H Xuân đi lao động ở Ả-rập Xê-út khơi ra những vấn đề pháp lý liên quan đến tuổi tác. Gia đình cho biết em được nhân viên của Vinaco chiêu dụ vào tháng 8 năm 2018 khi em gần 15 tuổi.
Hình ảnh chụp giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận hộ nghèo-hộ cận nghèo do gia đình cung cấp cho thấy em sinh ngày 30 tháng 10 năm 2003, cư ngụ ở buôn Tơ Yoa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk thuộc vùng Tây Nguyên miền Trung Việt Nam.
Ông Kpă Y Cân, phó buôn Tơ Yoa và là người nắm rõ thông tin lý lịch của H Xuân, xác nhận với VOA ngày sinh đó là chính xác.
Bà Lê Thị Toan, một nhân viên tuyển dụng của Vinaco, xác nhận bà là người đã đến xã Cư A Mung để tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về việc đi lao động ở nước ngoài. Sau đó, một số người trong đó có H Xuân đã đăng kí tham gia chương trình này.
Bà Toan nói bà không biết H Xuân là trẻ vị thành niên và khẳng định thiếu nữ này đã đưa chứng minh thư cho bà với năm sinh là 1996.
“Có chứng minh thư mà anh, có chứng minh thư mới đi làm được hộ chiếu chứ,” bà nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Nhưng ông Kpă Y Cân bác bỏ điều này, quả quyết không có chuyện H Xuân làm chứng minh thư ghi năm 1996 mà ông không hay biết.
Phát biểu của bà Toan cũng trái ngược với lời thuật lại của một thiếu nữ khác cũng tham dự buổi hội thảo đó và cũng đăng kí đi lao động nước ngoài cùng thời điểm với H Xuân.
H Ngọc Niê, một người bạn thân của H Xuân và 15 tuổi vào thời điểm đó, nói em không mang theo bất cứ giấy tờ tùy thân nào vì em không có giấy chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước công dân. Em nói em có cho họ biết em sinh năm 2003 nhưng họ vẫn thu xếp đưa em đi.
“Người môi giới không cho nói với bất cứ ai là làm giấy tờ ở huyện Đắk Đoa tỉnh Gia Lai chứ không làm ở xã em ở tỉnh Đắk Lắk,” H Ngọc nói với VOA qua điện thoại từ Đắk Lắk. “Họ chở em đi hai, ba ngày ở đấy làm giấy tờ xong người ta chở em đi tới Thanh Hóa luôn.”
Em cho biết những người chở em là hai người đàn ông, trong đó có chồng của bà Toan. Bà này không đi theo trong quá trình em làm giấy tờ, bao gồm lăn tay và chụp ảnh. Em nói em không biết đó là giấy tờ gì.
“Người môi giới lại nói với em tiền làm cái giấy tờ đó không phải ít đâu, không giống như người Gia Lai,” em nói.
Một trong những yêu cầu đối với người nộp đơn xin hộ chiếu phổ thông Việt Nam lần đầu là chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, vốn bao gồm thủ tục lấy dấu vân tay và chụp ảnh. H Ngọc nói cả em và H Xuân đều cùng làm thủ tục ở Gia Lai và đi cùng một xe ra Thanh Hóa.
Không rõ vì sao các em gái này lại được đưa sang Gia Lai làm giấy tờ tùy thân.
Một người trả lời điện thoại từ văn phòng Công an Huyện Đắk Đoa ở tỉnh Gia Lai nói với VOA rằng cơ quan này không thể cấp thẻ căn cước công dân cho người không phải là cư dân của tỉnh. Ông nói ông không rõ liệu cơ quan của ông có hồ sơ của H Xuân Siu hay không.
H Ngọc cho biết em được xếp ở chung phòng với H Xuân trong khoảng thời gian hai tháng huấn luyện các kĩ năng nghề nghiệp và học tiếng Ả-rập ở Thanh Hóa. H Xuân đi trước H Ngọc, và kể từ đó hai em không gặp lại nhau nữa dù vẫn giữ liên lạc bằng cách nhắn tin và gọi điện thoại.
“Em tới sân bay Nội Bài họ mới đưa cho em cái hộ chiếu ấy, chứ họ không đưa cho bất cứ ai xem hộ chiếu của em,” H Ngọc nói, và cho biết rằng em cũng nhận thấy năm sinh của mình đã bị thay đổi.
“Lúc đấy em cũng nhỏ, suy nghĩ cũng không được như bây giờ nên em không hỏi nữa, tại vì em nghĩ đi bên kia sung sướng giống như người môi giới nói với em.”
Với mức lương hàng tháng tương đương 9 triệu đồng Việt Nam, một số tiền khá lớn so với thu nhập ở những vùng quê nghèo, hai thiếu nữ lên đường tìm kiếm tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và gia đình. Hợp đồng lao động của họ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 năm 2018 và kéo dài trong hai năm.
Điều họ không hay biết là điều kiện làm việc có thể rất nặng nhọc và có những rủi ro mà họ phải đối mặt.
H Ngọc nói em phá hợp đồng để về nước năm 2020 trước khi hợp đồng kết thúc và hộ chiếu của em bị công an tịch thu sau đó. H Xuân làm đến hết hợp đồng nhưng con đường về nước của em bắt đầu trở nên chông gai.
Nỗi tuyệt vọng kết thúc trong bi kịch
Người thân của H Xuân cho biết thời gian đầu, em kể rằng em làm việc cũng bình thường và được nhà chủ đối xử tốt. Nhưng mọi việc thay đổi sau khi hợp đồng của em hết hạn vào tháng 10 năm 2020. Em buộc phải tiếp tục làm việc vì những hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 khiến các chuyến bay bị hủy bỏ.
“Khoảng tháng 2 năm 2021, em ấy mới kể lại là bị nhà chủ đánh đập rồi chửi rủa, làm việc thì không nghỉ, làm hết nhà này rồi tới nhà nọ, ngay cả em ấy đau ốm nhà chủ cũng không cho nghỉ luôn, cứ bắt làm miết,” H Soan Siu, một người chị của H Xuân, nói với VOA từ Đắk Lắk.
Chị H Soan nói H Xuân không kể với gia đình về việc này mà chỉ tâm sự với một người bạn. Gia đình biết được qua những đoạn âm thanh mà H Xuân ghi lại gửi cho người bạn này.
“Tôi không muốn ở với bà chủ của tôi nữa, họ mới đánh tôi bằng dây đến nỗi tôi ngất xỉu,” H Xuân nghẹn ngào nói trong một audio bằng tiếng Gia Rai. Trong một audio khác, em cầu xin những người đại diện của công ty Vinaco cứu em khỏi nhà chủ, nói rằng em bị đau đầu và đã ngất xỉu ba lần.
“Tôi nhờ chị Nhung anh Khánh đến đón tôi, nhưng họ không đến đón… Giờ tôi mệt quá tôi không thể làm nổi nữa rồi. Tôi đau lắm, đau không chịu nổi, đau hết mắt,” em nức nở trong một đoạn audio. “Đi viện họ bảo không có gì nhưng khi về nhà tôi đau lắm, bây giờ chỉ cần họ chuyển nước cho tôi cũng đủ rồi.”
Những lời cầu cứu dồn dập đến trong những tin nhắn H Xuân gửi cho ông Nguyễn Duy Khánh, đại diện của Vinaco phụ trách hỗ trợ lao động ở thủ đô Riyadh. Những đoạn trao đổi trên màn hình điện thoại được một người bạn của H Xuân quay video lại cho thấy ông Khánh giải thích vì sao không thể giúp em nhiều hơn.
“Không phải anh khó khăn gì với em nhưng các em cũng phải nên hiểu rằng dịch bệnh corona, ở Việt Nam hay ở bên này cũng vậy thôi, có dịch bệnh là người ta sẽ giãn cách xã hội, người ta không cho tụ tập đông người ở văn phòng,” ông nói trong một tin nhắn thoại gửi cho H Xuân vào ngày 21 tháng 6.
“Đúng là hiện tại văn phòng đang có trên 10 người lao động thật nhưng mà không thể tiếp nhận thêm được nữa. Bởi vì tiếp nhận đông quá về đây không có chỗ ăn chỗ ở rồi lây nhiễm bệnh corona thì làm sao?”
Trả lời phỏng vấn của VOA qua điện thoại, ông Khánh nói ông rất đồng cảm với hoàn cảnh của H Xuân vì bản thân ông cũng là người tha phương sang Ả-rập Xê-út để mưu sinh. Ông nói thêm nếu có những việc gì giúp được em ông “chắc chắn sẽ giúp” kể cả vấn đề minh bạch lý do cái chết của em.
“Riêng tôi tôi nói thật tôi không đứng về phía ai. Tôi sẽ đứng về phía công lý, về chính nghĩa vì Xuân chứ tôi không đứng về phía bất kì ai mặc dù tôi là cán bộ công ty,” ông nói.
Ông nói ông không biết vì sao lại có sự chênh lệch tuổi tác giữa giấy khai sinh và hộ chiếu của H Xuân, lưu ý rằng ông làm việc ở Ả-rập Xê-út và không phụ trách làm thủ tục đưa người lao động sang đó.
Một nhân viên của Vinaco ở Việt Nam phụ trách cung cấp thông tin liên quan đến cái chết của H Xuân cho gia đình của em không trả lời nhiều cuộc điện thoại của VOA hỏi về vụ việc.
Những email của VOA gửi tới Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước ở Việt Nam không nhận được phản hồi.
Ông Bùi Thế Trung, bí thư thứ hai phụ trách lãnh sự-bảo hộ công dân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh, nói vụ tử vong của H Xuân Siu là một “trường hợp đặc biệt” mà Đại sứ quán đã đề nghị các cơ quan chức năng sở tại kéo dài thời gian bảo quản thi hài để chờ hoàn thiện các thủ tục cuối cùng.
Ông lưu ý rằng theo quy định của Chính phủ Ả-rập Xê-út, thi hài người nước ngoài phải được chôn cất tại nước này hoặc hồi hương trong vòng hai tuần sau khi các cơ quan chức năng đã thông báo cái chết.
“Hiện Đại sứ quán vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại, chủ sử dụng và Công ty VINACO để hoàn tất các giấy tờ đưa thi hài lao động H Xuân Siu về nước theo nguyện vọng của gia đình,” ông nói trong email gửi cho VOA.
Trả lời câu hỏi về sự sai lệch ngày sinh của H Xuân, ông đề nghị VOA liên lạc với cơ quan chức năng cấp các giấy tờ tùy thân cho em để làm rõ.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh, trong một email hồi đáp ngày 24 tháng 10 sau khi bài báo này được đăng, từ chối trả lời câu hỏi về sự sai lệch ngày sinh trên hộ chiếu, dẫn ra quy định nói rằng họ chỉ cung cấp thông tin về xuất nhập cảnh theo yêu cầu của các cơ quan hữu trách Việt Nam hoặc của công dân nắm giữ hộ chiếu.
Chị H Soan nói gia đình ngày 22 tháng 9 đã làm đơn ủy quyền cho Vinaco và đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh và các cơ quan hữu quan khác ở Ả-rập Xê-út tiến hành các thủ tục hồi hương thi thể và tư trang của H Xuân về Việt Nam.
“Gia đình em nhiều khó khăn lắm, bố thì mất sớm lúc bọn em vẫn còn nhỏ, mẹ thì phải nuôi mấy đứa em. Giờ gia đình nợ nần thì đầy, đất đai làm không có, em H Xuân đi làm việc cũng mất rồi, gia đình giờ không biết nương tựa vào ai nữa,” chị H Soan nói.
Những lời cầu cứu và van nài của H Xuân cuối cùng được đáp ứng. Gia chủ đồng ý mua vé máy bay cho em rời đi và theo lịch trình, em lẽ ra sẽ bay từ Arar đến Riyadh để về văn phòng đại diện của công ty tuyển dụng.
“Alo e[m]. Khi nào tới sân bay alo a[nh],” ông Khánh nhắn tin cho H Xuân vào sáng ngày 4 tháng 7.
Nhưng em không trả lời.
Thực tế là H Xuân chưa bao giờ đặt chân được lên chuyến bay. Giới chức sân bay từ chối làm thủ tục check-in cho em vì nhận thấy em có những biểu hiện đáng lo ngại về sức khỏe. Sau đó em được đưa vào bệnh viện trong tình trạng thân nhiệt tăng cao, uể oải và bồn chồn.
Hai tuần sau em qua đời, vĩnh viễn khép lại ước nguyện hồi hương dang dở sau một chuyến lao động nước ngoài được trả giá bằng cả mạng sống của em.
Đính chính ngày 8 tháng 10, 2021: Phiên bản trước đó của bài báo này xác định sai chức vụ của Kpă Y Cân. Ông là phó buôn Tơ Yoa, không phải phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư A Mung.