Đường dẫn truy cập

EU nói hỗ trợ Việt Nam hướng đến kế hoạch phát triển xanh


Ông Frans Timmermans.
Ông Frans Timmermans.

Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam hôm 21/2 cho biết rằng “EU sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam”.

Tuyên bố này được đưa ra 4 ngày sau khi Phó Chủ tịch Điều hành của Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans kết thúc chuyến thăm Việt Nam nhằm tiếp tục trao đổi về các cam kết quan trọng được Việt Nam đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Khí hậu tại Glasgow, cũng như thảo luận về những hỗ trợ của EU dành cho Việt Nam trong nỗ lực nhanh chóng giảm thiểu khí thải nhà kính.

Viết trên trang web, Phái đoàn Liên minh châu Âu nói rằng “Việt Nam có tiềm năng to lớn để tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, và trong những ngày vừa qua chúng tôi đã thảo luận về các phương hướng áp dụng kinh nghiệm, chuyên môn và hỗ trợ tài chính của châu Âu – ví dụ về cải thiện lưới điện, tăng cường các khuôn khổ pháp lý và đầu tư vào lưu trữ năng lượng – để đẩy nhanh sự chuyển đổi này…”

Cơ quan ngoại giao này cho biết rằng trong chuyến thăm kéo dài ba ngày, Phó Chủ tịch Timmermans đã hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoàn, cùng đại diện các cơ quan phi chính phủ tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Timmermans được dẫn lời nói rằng “Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong những thập kỷ gần đây”.

Theo Phái đoàn Liên minh châu Âu, ông Timmermans nói thêm: “Các cuộc gặp của tôi với các Bộ trưởng trong Chính phủ cho thấy rằng, Việt Nam nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ khí hậu và môi trường nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng nói trên: chỉ có một Việt Nam, và hành tinh của chúng ta cũng là duy nhất…”

Phái đoàn Liên minh châu Âu cho rằng Việt Nam là “một trong những nước dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu” và Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực với dân số 20 triệu người và có sản lượng lương thực đủ cho 100 triệu người, là “nơi gặp nhiều nguy cơ như sụt lún đất, những hình thái thời tiết khắc nghiệt, tình trạng nước ngầm bị nhiễm mặn hay mực nước biển dâng cao”.

Theo Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hồi tháng 11 năm ngoái đã có bài phát biểu được cho là “quan trọng” tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ COP26.

Ông Chính được trích lời phát biểu rằng “là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế”.

Theo Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam, ông nói thêm: “Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG