Đường dẫn truy cập

Ủy viên năng lượng EU: Trừng phạt sẽ làm cạn kiệt dần nguồn thu từ dầu mỏ của Nga


Bà Kadri Simson - Ủy viên châu Âu phụ trách về Năng lượng.
Bà Kadri Simson - Ủy viên châu Âu phụ trách về Năng lượng.

Các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt đối với Nga vì xâm lược Ukraine sẽ dần dần ảnh hưởng đến thu nhập từ dầu mỏ của Moscow, dù không nhắm trực tiếp vào xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, người đứng đầu chính sách năng lượng của EU cho biết hôm 3/3.

27 quốc gia EU đã áp đặt một số gói trừng phạt đối với Nga, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu các công nghệ lọc dầu cụ thể từ châu Âu sang Nga, khiến việc hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu của Nga trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

“Những công nghệ này được làm ra ở châu Âu, không thể dễ dàng đặt mua chúng với các nhà cung cấp khác trên toàn cầu”, Ủy viên châu Âu phụ trách về Năng lượng, Kadri Simson, cho biết.

“Vì vậy, chúng ta sẽ thấy rằng theo thời gian, nguồn thu của Nga từ dầu tinh lọc sẽ bị cạn kiệt, ngành này mang lại doanh thu 24 tỷ euro cho Nga vào năm 2019”, bà Simson nói với ủy ban của Nghị viện châu Âu.

Doanh thu bán dầu và khí đốt của Nga năm ngoái chiếm 36% tổng ngân sách của nước này, vượt xa những dự báo ban đầu do giá cả tăng vọt.

Các biện pháp trừng phạt của EU không nhắm trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga. Nếu làm như vậy sẽ khiến Moscow mất đi một phần doanh thu đáng kể, nhưng cũng gây ra tác động kinh tế lớn đối với châu Âu và có thể đẩy giá khí đốt vốn đã cao hiện nay lên cao hơn nữa.

Châu Âu nhập khẩu đến 90% khí đốt, và khoảng 40% trong số này là từ Nga.

EU nói họ có thể đối phó với sự gián đoạn một phần về nguồn cung từ Nga trong mùa đông này, nhờ vào việc tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và dự trữ khí đốt.

Các nhà phân tích cho biết việc ngừng cung cấp hoàn toàn hoặc kéo dài sẽ đòi hỏi các biện pháp khẩn cấp để cắt giảm nhu cầu về nhiên liệu, chẳng hạn như đóng cửa các nhà máy.

Tất cả các nước EU đều có kế hoạch dự phòng để ứng phó với những cú sốc về nguồn cung khí đốt.

Các nước EU được yêu cầu có kho dự trữ dầu khẩn cấp trong ít nhất 90 ngày. Hầu hết các quốc gia đều có dự trữ trên mức đó.

EU hiện đang đàm phán một loạt các chính sách mới về biến đổi khí hậu, trong đó Brussels dự kiến sẽ cắt giảm 23% sự phụ thuộc của EU vào khí đốt vào năm 2030.

Ủy ban cũng sẽ đề xuất các biện pháp vào tuần tới để mở rộng năng lượng tái tạo nhanh hơn và lấp đầy kho khí đốt của châu Âu trước mùa đông tới.

Dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu vẫn ổn định kể từ khi cuộc xâm lược nổ ra, mặc dù giá cả đã tăng vọt do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga nói việc xuất khẩu khí đốt thông qua Ukraine đáp ứng dnhu cầu của người tiêu dùng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG