Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Nga tháng rồi giảm gần 45% và sang Ukraine giảm đến 60% so với tháng trước đó do ảnh hưởng của “căng thẳng Nga – Ukraine”.
Cuộc xâm lược, cụm từ mà Việt Nam né tránh sử dụng trong ngôn ngữ chính thức và trên tất cả truyền thông nhà nước, do Nga thực hiện tại Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, tức tuần cuối cùng của tháng 2, nhưng đã khiến cho xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Nga chỉ đạt hơn 180 triệu đô la, giảm gần 45% so với tháng 1 và giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa sang Ukraine chỉ đạt gần 13 triệu đô la, giảm 60% so với tháng 1 và giảm mạnh đến 33% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nga trong tháng 2 đạt 257 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 2 tháng, nhập khẩu hàng hóa từ Nga đạt 540 triệu USD, tăng 60%.
Còn nhập khẩu hàng hóa từ Ukraine trong tháng 2 đạt gần 49 triệu USD, tăng 6,7 lần so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 2 tháng, nhập khẩu hàng hóa từ Ukraine đạt 54 triệu USD, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ.
Tính chung, trong hai tháng đầu năm, thương mại Việt - Nga chỉ đạt hơn 1 tỷ USD. Còn thương mại Việt - Ukraine chỉ đạt gần 100 triệu USD.
Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù có biến động lớn trong thị trường hàng hóa ở hai thị trường Nga, Ukraine, nhưng những biến động này không tác động lớn đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vì thương mại giữa Việt Nam với hai nước này chỉ chiếm 1,1%.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu chịu nhiều tác động nặng nề từ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây và nhiều quốc gia trên thế giới đang áp đặt lên Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.
Theo đánh giá mới nhất của nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, lạm phát của Việt Nam có thể lên mức 4,2%, và kịch bản xấu là tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,5-5%, “Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay”, nhóm tác giả nhận định.
Theo kết quả tính toán sơ bộ của nhóm này thì thâm hụt thương mại xăng dầu của Việt Nam sẽ lên mức 9 tỷ USD (so với mức 6,3 tỷ USD năm 2021), CPI bình quân cả năm tăng thêm 0,8-1 điểm phần trăm, lên mức 3,8-4,2%, và GDP năm 2022 sẽ giảm khoảng 1,1-1,3 điểm phần trăm. Với số liệu ước tính này thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,7-5,9% (so với mức dự báo 6,5-7% hồi đầu năm hoặc cuối tháng 2) và có thể sẽ xuống thấp hơn nữa, ở mức 4,5-5% nếu kịch bản xấu hơn xảy ra.