Đường dẫn truy cập

Cháy chợ lớn nhất Kharkiv, hy vọng của nhiều người Việt ở Ukraine tan thành mây khói


Cột khói bốc lên từ chợ Barabashova vào ngày 17/3/2022 sau loạt pháo kích của Nga.
Cột khói bốc lên từ chợ Barabashova vào ngày 17/3/2022 sau loạt pháo kích của Nga.

Nhiều người Việt bày tỏ nỗi đau mất mát và sự căm phẫn trên mạng xã hội khi theo dõi cảnh cháy chợ Barabashova, nơi mà họ đã bỏ lại công việc kinh doanh và khối tài sản chắt chiu nhiều năm để bảo toàn tính mạng, với hy vọng sẽ sớm quay trở lại đây sau khi chiến tranh kết thúc.

Theo các quan chức ở thành phố phía đông Ukraine, các cuộc pháo kích của Nga đã đánh trúng vào chợ Barabashova, khu chợ lớn nhất của Kharkiv vốn được mệnh danh là một trung tâm của người Việt, gây ra đám cháy dữ dội vào ngày 17/3.

“Một trong những ngôi chợ lớn nhất thế giới với diện tích 300.000 mét vuông đang bị cháy sau một loạt pháo kích của quân đội Nga”, Bộ ngoại giao Ukraine thông báo trên trang Twitter.

Các video trên mạng xã hội cho thấy những cột khói đen khổng lồ tỏa ra từ nhiều khu vực của khu chợ.

Các quan chức Ukraine cho biết đã có 70 người đang tham gia vào nỗ lực dập lửa để ngăn chặn đám cháy lan sang những ngôi nhà gần đó. Một nhân viên trong đội ứng cứu khẩn cấp đã bị thiệt mạng, theo thông báo của thị trưởng thành phố Kharkiv.

Một góc chợ Barabashova chìm trong khói lửa vào ngày 17/3/2022.
Một góc chợ Barabashova chìm trong khói lửa vào ngày 17/3/2022.

“Hôm qua, khi thấy cảnh chợ bị pháo kích cháy như thế thì rất nhiều người cảm thấy mất mát rất lớn”, ông Việt Anh, một cư dân đã sống ở Ukraine hơn 35 năm, cho VOA biết vào tối 18/3.

“Cháy hết mất rồi bao nhiêu năm vất vả chắt chiu không khóc lên được nữa trời ơi”, tài khoản Hiền Phan bày tỏ, trong khi tài khoản Pham Thi Thuy viết: “Nhìn cửa hàng cháy mà lòng đau như cắt bao nhiêu công sức làm bây giờ trắng tay”.

Chợ Barabashova vốn được xem nguồn sinh kế chính của hầu hết người Việt ở Kharkiv, “thủ phủ người Việt” ở Ukraine. Một người hoạt động tích cực trong cộng đồng ở Kharkiv cho biết đa số người Việt tại đây vẫn “chạy chợ” bình thường vào ngày trước khi chiến sự bùng nổ vì không nghĩ rằng đạn bom đang cận kề, và vì họ đã quen với “tình trạng chiến tranh” mà họ nói đã diễn ra trong suốt 8 năm qua kể từ khi Nga sáp nhập Crimea.

“Dù đã xác định tư tưởng rồi nhưng vẫn không thể kìm được nước mắt khi nghe tin…”, tài khoản Thanh Vân Nguyễn cho biết khi theo dõi tin cháy chợ.

Trong khi đó, nhiều người Việt khác nói vụ cháy đã làm tan tành hy vọng quay trở lại quê hương thứ hai để tiếp tục cuộc sống thanh bình trước đây sau khi chiến tranh kết thúc.

“Hết hy vọng về UKRAINA rồi”, tài khoản Chiến Vân nói.

“Chợ xvaiak cũng đã cháy, Một chút hi vọng cuối cùng cũng đã hết rồi”, Thu Thao bày tỏ.

Chợ Barabashova vào ngày 23/2/2022, một ngày trước khi nổ ra chiến sự. Ảnh: Vũ Chân.
Chợ Barabashova vào ngày 23/2/2022, một ngày trước khi nổ ra chiến sự. Ảnh: Vũ Chân.

Không ít người Việt cũng bày tỏ sự căm phẫn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thậm chí gọi ông là “trùm khủng bố số 1 của thế kỷ 21”.

“Khi mà quân Nga bắn vào thành phố, mọi người lúc ấy chỉ ấy chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo với ít tiền nong rồi chạy thôi. Coi như nhà cửa, xe, hàng hoá hầu như vứt hết lại, chạy để thoát thân cái đã. Khi sang châu Âu, phần lớn tâm lý người ta bây giờ cũng chỉ sang để lánh nạn, tránh bom đạn rồi sau này đất nước hoà bình, ổn định, người ta sẽ trở về vì đấy là nơi người ta đã sinh sống, làm việc, có nhà cửa, con cái người ta được học hành, hàng hoá, tài sản của người ta ở đấy thì người ta sẽ trở về, chứ không phải tất cả bỏ đi là xong”, ông Việt Anh nói với VOA.

Không ít người Việt ở Ukraine tiếp tục bày tỏ sự căm phẫn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi xảy ra vụ cháy chợ, thậm chí họ gọi ông là “trùm khủng bố số 1 của thế kỷ 21”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, Rosemary DiCarlo, hôm 17/3 nói “sự tàn phá và đau khổ ở Mariupol và Kharkiv làm dấy lên nỗi sợ hãi nghiêm trọng về số phận của hàng triệu cư dân Kyiv và các thành phố khác phải đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng tăng”.

Bà nói thêm rằng thường dân được bảo vệ khỏi nguy hiểm do các hoạt động quân sự gây ra, và các cuộc tấn công trực tiếp vào dân thường bị cấm. “Tuy nhiên, không thể phủ nhận mức độ to lớn của thương vong dân sự và cơ sở hạ tầng dân sự bị phá huỷ ở Ukraine”. Giới chức LHQ kêu gọi phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng và trách nhiệm giải trình về vấn đề này.

Theo Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), tính đến ngày 17/3, đã có ít nhất 2.032 thương vong đối với thường dân ở Ukraine, trong đó có 780 người thiệt mạng và 1.252 người bị thương. Cơ quan này lưu ý rằng con số thực tế có thể “cao hơn đáng kể”. Ngoài ra, còn có hơn ba triệu người Ukraine đã phải chạy trốn chiến tranh sang các nước láng giềng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/4 đã gọi thẳng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh”. Hạ viện Hoa Kỳ hôm 17/3 cũng thông qua luật đình chỉ quan hệ thương mại "tối huệ quốc" với Nga và Belarus với tỷ lệ bỏ phiếu 424-8, sau hàng loạt các biện pháp trừng phạt nặng nề đã áp đặt lên Nga trước đó vì cuộc xâm lược Ukraine.

VOA Express

XS
SM
MD
LG