Đường dẫn truy cập

ADB: ‘Kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ’


Logo của Ngân hàng Phát triển châu Á tại trụ sở ở Manila, Philippines.
Logo của Ngân hàng Phát triển châu Á tại trụ sở ở Manila, Philippines.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định rằng Việt Nam trong tư thế sẵn sàng để phục hồi mạnh mẽ về kinh tế, theo báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á 2022” của ngân hàng này, được công bố hôm 6/4.

Tổ chức tài chính này nói rằng “kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay, và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023, do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng”.

“Đợt bùng phát đại dịch COVID-19 mới đã cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt thị trường lao động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất trong năm 2021”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nói trong một tuyên bố. “Tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh”.

Ngân hàng Phát triển Châu Á nói thêm rằng thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ Việt Nam “sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022” và sản lượng nông nghiệp “dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm nay”, do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.
ADB cũng cho rằng việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch “được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay”.

Tuy nhiên, báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á 2022” cũng nêu lên những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. ADB cho rằng tình trạng nhiễm COVID-19 cao kể từ giữa tháng 3, “nếu không được giảm bớt, có thể cản trở sự quay trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế trong năm nay”. Ngoài ra còn vì “khả năng nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do Nga xâm lược Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam”, hay “sự phục hồi cũng phụ thuộc vào việc chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”.

Trước ADB, như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá rằng “tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5% theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước”.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,6% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với xu hướng tăng trưởng bình quân 7,0% trước đại dịch, theo Ngân hàng Thế giới.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tháng trước đã yêu cầu Bộ Công thương “nghiên cứu” khuyến cáo trước đó của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam, nhất là liên quan tới COVID-19, theo Cổng thông tin chính phủ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG