“Dịch xong nên ai cũng có nhu cầu đi chơi. Mấy năm trời, dân tình chả được đi đâu. Mình còn tranh thủ đi được chứ còn dân thì nhiều người, người ta sợ không dám đi. Thế là bây giờ mới đi.” Đó là lời giải thích của anh Nguyễn Hoàng Nguyên, một cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực phòng dịch tại quận Đống Đa, Hà Nội, về việc người dân đổ về các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ ngày 10/3 âm lịch vừa qua.
Theo phản ánh của nhiều người thì hầu hết các điểm du lịch, kể cả các trung tâm du lịch biển ở khu vực phía Bắc đều đông nghẹt người, dịch vụ bị quá tải nghiêm trọng. Các tuyến quốc lộ đi về hướng nam tính từ Hà Nội bị tắc nghẽn nghiêm trọng nhiều giờ ngay từ chiều đầu tiên nghỉ lễ vào ngày thứ Sáu và chiều tối thứ Hai của tuần tiếp theo khi kỳ nghỉ lễ kết thúc.
Đại dịch Covid “hạ nhiệt” trên cả nước với số ca nhiễm mới giảm từ kỷ lục gần 354.000 vào ngày 17/3 xuống còn khoảng 65.000 ca vào ngày 08/4; bên cạnh đó thì số trường hợp tử vong cũng chỉ còn trung bình dưới 40 ca/ngày trên cả nước trong tuần đầu tiên của tháng 4, đã khiến các gia đình “tự tin” đi chơi ngay trước mùa du lịch biển năm nay.
Tuy thế thì, sự đông đúc quá tải tại các điểm du lịch do đại dịch hạ nhiệt và các biện pháp phòng dịch theo kiểu ‘ngăn sông cấm chợ’ trước kia được gỡ bỏ hoàn toàn, đã khiến nhiều gia đình dù rất muốn đi chơi vẫn không dám đi đâu trong những ngày cao điểm vào dịp cuối tuần.
Chị Nguyễn Hồng Hoa, cư dân sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết gia đình chị lựa chọn ở lại nhà và chỉ đi chơi gần trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ để tránh tắc đường và bị ‘chặt chém’ từ các dịch vụ ở những khu du lịch. “Nói chung mấy ngày này thì Hà Nội đông lắm, các điểm tham quan cũng đông. Chỗ ăn uống, ăn chơi cũng đông. Cho nên đến ngày cuối mình mới dám đi. Chứ còn mấy ngày giữa giữa có đi đâu đâu. Loanh quanh ăn uống ở nhà và nhà bạn nhà bè thôi, chứ đi làm gì. Khổ lắm” Chị Hoa chia sẻ với VOA.
Từ ngày 06/4, ngay trước kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ, học sinh tiểu học và mầm non ở Hà Nội được quay lại trường học cũng là một tin thực sự vui đối với các bậc phụ huynh. Phần lớn mọi người đều cảm thấy hân hoan khi cuộc sống bình thường đang dần trở lại. Những ngày tháng căng thẳng phải bó gối trong nhà trông con học online đã từng bước đi qua và không một ai muốn thực hiện chính sách “Zero Covid” như nước láng giềng Trung Quốc đang lựa chọn. Bởi theo mọi người thì ngoài việc bảo vệ mình khỏi covid thì tất cả đều còn cần phải làm việc và sinh sống, không thể cứ ở nhà mãi được. Nỗi lo về Covid chỉ là một phần trong muôn vạn nỗi lo mưu sinh hàng ngày.
Chị Lê Hải Anh, một cư dân sinh sống tại quận Ba Đình cho biết chị thực sự như được “giải thoát” khi hai đứa con nhỏ của chị đồng loạt được quay trở lại trường học. “Học online nó bí bách lắm. Một đứa học chiều một đứa học tối nên muốn cho đi chơi cũng chẳng đi được. Sáng thì nó ngủ. Chiều học thì hết cả một buổi chiều rồi, sau đó lại tối. Ngày đó đúng thực sự là ngày giải phóng phụ huynh.” Chị Hải Anh tâm sự.
Chị Hải Anh cũng như anh Nguyên cho biết thêm họ cảm thấy may mắn khi Việt Nam tuy không sản xuất được vaccine nhưng lại được nhận hầu hết là vaccine của Mỹ và Anh. Đây là những loại vaccine chất lượng cao nên có thể là một phần lý do khiến đại dịch Covid tại Việt Nam nhanh hạ nhiệt, cuộc sống dần trở lại bình thường chứ không phải đơn thuần là do Việt Nam không học theo chính sách Zero Covid của Trung Quốc, tiếp tục phong toả trở lại một số thành phố lớn.
“Cái đấy cả thế giới hiện nay vẫn đang nhìn đấy, vì họ phải có vấn đề gì đấy thì họ mới làm thế. Mà theo dự đoán thì có thể vaccine của Trung Quốc chỉ hiệu quả với những biến thể cũ, ví dụ như biến thể delta gây chết người nhiều nhất thì vaccine của Trung Quốc rất hiệu nghiệm. Nhưng sau này có nhiều biến chủng mới như Omicron thì vaccine Trung Quốc có thể lại không hiệu quả nên dẫn tới nguy cơ cao.” Anh Nguyên phân tích thêm về phỏng đoán của mình và một số đồng nghiệp trong lĩnh vực phòng dịch.