Đường dẫn truy cập

Việt Nam lên kế hoạch giữ mức nợ công không quá 60% GDP vào năm 2030


Số liệu công bố mới nhất cho biết mức nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, tính đến 30/6/2021, là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.
Số liệu công bố mới nhất cho biết mức nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, tính đến 30/6/2021, là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Việt Nam vừa thông qua Chiến lược nợ công trong những năm tới với mục tiêu giữ mức nợ công không quá 60% GDP và nợ chính phủ không quá 50% GDP vào năm 2030.

Chiến lược do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký phê duyệt vào ngày 14/4 được đưa ra giữa bối cảnh Việt Nam đang cố gắng kiểm soát tình trạng bội chi ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ công có thể xảy ra trong tương lai.

Theo số liệu vừa công bố vào ngày 14/4 của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, thuộc Bộ Tài chính, mức nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, tính đến 30/6/2021, là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Trong đó, nợ của chính phủ là hơn 3,1 triệu tỷ đồng (vay nước ngoài 1,1 triệu tỷ đồng, vay trong nước 2 triệu tỷ đồng). Nợ được chính phủ bảo lãnh là hơn 338 nghìn tỷ đồng, và nợ của chính quyền địa phương là hơn 46 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo cho biết tính từ năm 2019 đến 30/6/2021, các quốc gia chủ nợ đã cho Việt Nam vay hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản với hơn 333 nghìn tỷ, Hàn Quốc hơn 33 nghìn tỷ, Pháp hơn 32 nghìn tỷ và Đức trên 14 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Việt Nam còn nợ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới với hơn 382 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với hơn 193 nghìn tỷ đồng, và các chủ nợ tư hơn 26 nghìn tỷ đồng.

Trong Chiến lược nợ công đến năm 2030, Việt Nam cũng đề ra mục tiêu về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP mỗi năm.

Theo chiến lược, Việt Nam sẽ phát hành thường xuyên trái phiếu chính phủ với các kỳ hạn chuẩn, tập trung vào kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm sẽ được phát hành linh hoạt, cùng với trái phiếu ngoại tệ trên thị trường vốn trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và thực hiện các chỉ tiêu phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, trái phiếu quốc tế cũng sẽ được phát hành để bù đắp bội chi ngân sách Trung ương hàng năm cho đầu tư phát triển và cơ cấu lại các khoản nợ của chính phủ trong điều kiện thị trường thuận lợi.

Ngoài ra, chiến lược cũng đề xuất đến việc tập trung giải ngân hết nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký vay đến cuối năm 2020. Các khoản vay mới sẽ được vay cho các lĩnh vực chính, ưu tiên các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo kế hoạch vay, trả nợ công 2022 cũng do Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 13/4, Việt Nam đề ra mức vay tối đa của chính phủ trong năm nay là 673.546 tỷ đồng (gần 29,3 tỷ USD), tăng hơn 159.240 tỷ đồng so với năm 2021. 96% khoản vay này được dùng để cân đối ngân sách trung ương (646.849 tỷ đồng), và khoản vay để về cho vay lại là 26.697 tỷ đồng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG