Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình đề xuất ‘sáng kiến an ninh toàn cầu’


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video tại cuộc họp Diễn đàn Châu Á Bác Ngao vào ngày 21/4/2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video tại cuộc họp Diễn đàn Châu Á Bác Ngao vào ngày 21/4/2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21/4 đề xuất một “sáng kiến an ninh toàn cầu”, trong đó đề cao nguyên tắc “an ninh bất khả phân chia”, một khái niệm cũng được Nga tán thành, mặc dù ông không cho biết chi tiết về nó như thế nào.

Trong bài phát biểu qua video tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao hàng năm, ông Tập nói rằng thế giới nên tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, đồng thời chú ý đến các mối quan tâm an ninh “chính đáng” của tất cả mọi nước.

“Chúng ta nên đề cao nguyên tắc an ninh bất khả phân chia, xây dựng một kiến trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, đồng thời phản đối việc xây dựng an ninh quốc gia trên cơ sở gây mất an ninh ở các nước khác”, ông Tập phát biểu tại cuộc họp ở đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc.

Trong các cuộc đàm phán về Ukraine, Nga yêu cầu các chính phủ phương Tây tôn trọng một thỏa thuận năm 1999 dựa trên nguyên tắc “an ninh bất khả phân chia”, trong đó không quốc gia nào có thể tăng cường an ninh của mình bằng cái giá của nước khác.

Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên thân thiết. Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga vào Ukraine, mà Moscow gọi là một “hoạt động đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraine. Trung Quốc đổ lỗi cuộc khủng hoảng Ukraine là do NATO mở rộng về phía đông.

Các nhà phân tích lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc lập luận về “an ninh bất khả phân chia” bên ngoài bối cảnh của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, với những tác động đối với các hành động của Mỹ ở châu Á.

“Nếu Bắc Kinh coi các hành động của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đối với Đài Loan hoặc Biển Đông là coi thường các mối quan ngại về an ninh của Trung Quốc, thì họ có thể gợi lên khái niệm ‘an ninh bất khả phân chia’ để có một nền tảng đạo đức để trả đũa”, Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói.

Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học Đô thị Hong Kong, cho rằng bằng cách gợi lên khái niệm “an ninh bất khả phân chia” vốn có nguồn gốc từ châu Âu, Trung Quốc có thể hy vọng làm cho các hành động bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình có vẻ hợp pháp hơn đối với các nước khác.

Ông Tập cũng nhắc lại sự phản đối của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt đơn phương và “quyền tài phán trị ngoại”, mà không đề cập trực tiếp đến các hành động trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.

Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả những biện pháp chống lại Nga, nhưng họ cũng cẩn thận không cung cấp hỗ trợ cho Moscow để có thể dẫn đến việc các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bắc Kinh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG