Đường dẫn truy cập

Việt Nam áp dụng công nghệ sinh trắc học của Nhật để quản lý công dân


Mẫu căn cước công dân mới của Việt Nam có mã QR.
Mẫu căn cước công dân mới của Việt Nam có mã QR.

Bộ Công an Việt Nam đã chọn một tập đoàn Nhật Bản để giúp quản lý dữ liệu công dân bằng công nghệ sinh trắc học.

Theo tờ Nikkei Asia, tập đoàn Nhật NEC đang giúp cho Việt Nam hiện đại hoá thẻ căn cước cho tất cả công dân từ 14 tuổi trở lên.

“Hiện thẻ này được liên kết với dữ liệu khuôn mặt và vân tay của 50 triệu người Việt”, tờ Nikkei Asia cho biết.

Với chiến lược phát triển trên toàn cầu về công nghệ sinh trắc học, tập đoàn Nhật Bản hiện đang mở rộng hoạt động kinh doanh tới các quốc gia mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thứ ba sử dụng công nghệ của NEC, sau Ấn Độ và Nam Phi.

Bộ Công an Việt Nam đã chọn NEC trong quá trình chuyển đổi từ quản lý công dân trên giấy tờ theo cách cũ sang quản lý thông tin bằng kỹ thuật số. “Hơn 1.800 trung tâm được thành lập để đăng ký thông tin về khuôn mặt và dấu vân tay của công dân Việt Nam”, Nikkei Asia cho biết thêm.

Theo tập đoàn của Nhật, công nghệ của họ đã đạt được độ chính xác cao nhất thế giới trong thử nghiệm nhận dạng khuôn mặt của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Nhật Bản vào năm 2021. Công nghệ của NEC kết hợp học sâu (deep learning), hệ thống khớp hình ảnh với các hướng khác nhau trên khuôn mặt sử dụng hình ảnh có độ phân giải thấp được chụp từ máy ảnh số. Hệ thống sinh trắc học của NEC đã được áp dụng thành công trên quy mô lớn như quản lý định danh toàn bộ thành viên tham gia Thế vận hội và Paralympic Tokyo 2021.

Tờ Công an Nhân dân cho biết, với công nghệ của NEC, một người đến tuổi làm chứng minh nhân dân sẽ được lưu giữ khoảng 1.700 ảnh chân dung. Những ảnh lưu này được thực hiện trên công nghệ sinh trắc học và việc nhận dạng con người qua ảnh sẽ tương đồng theo chu kỳ sinh học với người thật, đang sống theo thời gian và độ tuổi.

Vì vậy, từ một bức ảnh chụp ở độ tuổi làm chứng minh nhân dân sẽ được hệ thống nhận dạng sinh trắc học di động của NEC lưu giữ suốt đời. Hệ thống này sẽ nhận dạng con người qua hệ thống kiểm soát cửa khẩu tự động, hệ thống kiểm soát ra vào cửa khẩu…

Tờ báo nói thêm rằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến của NEC sẽ giúp cho lược lượng công an quản lý tốt hơn dân cư và tội phạm.

Việt Nam hiện đang thúc đẩy quá trình phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025. Trong chiến lược vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký phê duyệt vào ngày 28/4, Việt Nam đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia, phát triển dữ liệu số quốc gia, phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Mục tiêu mỗi người dân có danh tính số kèm theo mã QR là một trong những nội dung cũng được đề ra trong chiến lược trên.

VOA Express

XS
SM
MD
LG