Đường dẫn truy cập

NATO hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ không trì hoãn Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên


Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto.

NATO và Hoa Kỳ hôm Chủ nhật cho biết họ tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm trì hoãn việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên trong liên minh quân sự phương Tây, khi hai quốc gia Bắc Âu này đã có những bước đi kiên quyết để gia nhập NATO sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm Chủ nhật đã xác nhận rằng nước ông sẽ nộp đơn gia nhập NATO, trong khi các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển đã thông báo về một sự thay đổi chính sách chính thức, vốn sẽ mở đường cho nước này xin gia nhập trong vòng vài ngày tới.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã gây bất ngờ cho các đồng minh trong những ngày gần đây khi nói rằng họ lưỡng lự về tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, đã đưa ra yêu cầu của mình vào Chủ nhật bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng ở Berlin.

Ankara cho biết muốn các nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ cho các nhóm chiến binh người Kurd hiện diện trên lãnh thổ của họ, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ theo cách không làm trì hoãn việc trở thành thành viên”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc trao đổi kín ở Berlin nhưng lặp lại quan điểm của ông Stoltenberg.

“Tôi rất tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được sự đồng thuận về điều đó”, ông Blinken nói với các phóng viên và nói thêm rằng NATO là “nơi để đối thoại”.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan tại Berlin đã rất hữu ích. Hai nước đã đưa ra đề xuất để đáp ứng những lo ngại của Ankara, mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét, trong khi ông đã cung cấp cho họ bằng chứng những kẻ khủng bố hiện diện trên lãnh thổ của họ, ông nói.

Ông nói riêng về Thụy Điển, cho biết rằng nhóm dân quân người Kurd PKK, vốn bị Hoa Kỳ và EU coi là khủng bố, đã tổ chức các cuộc họp ở Stockholm vào cuối tuần qua.

Tuy nhiên, ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối chính sách của liên minh là mở cửa cho tất cả các quốc gia châu Âu muốn nộp đơn xin gia nhập.

Bất kỳ quyết định nào về việc mở rộng NATO đều cần có sự chấp thuận của tất cả 30 đồng minh và quốc hội của các nước này. Các nhà ngoại giao NATO cho biết Ankara, một thành viên NATO trong 70 năm, sẽ phải chịu áp lực lớn để nhượng bộ vì liên minh cho rằng sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ củng cố đáng kể khả năng ở Biển Baltic.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG