Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam cho biết cần phải có hơn 11.700 tỷ đồng ngân sách để giải quyết 7 dự án BOT đang bị treo nhiều năm nay. Con số ước tính được Bộ này đưa ra trong cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Văn Thành vào ngày 17/5.
Bộ GTVT cho biết trong thời gian qua đã xử lý những vướng mắc, bất cập tại 14 dự án BOT, nhưng vẫn còn 7 dự án chưa được tháo gỡ vì cần bổ sung vốn nhà nước. Điều này vượt thẩm quyền của bộ.
Trong khi đó, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng con số Bộ GTVT đưa ra “khá chênh lệch” so với chi phí mà các doanh nghiệp của 7 dự án đề xuất là 16.600 tỷ đồng. Do đó, cần phải rà soát lại số tiền đề nghị trên, theo tường thuật của Thanh Niên.
Trong những năm qua, các dự án BOT đã trở thành vấn đề gây tranh cãi và bức xúc trong công chúng vì có quá nhiều tiêu cực và bất cập xảy ra trong quá trình thực hiện. Thậm chí, nhiều người đã bị bắt giam và bỏ tù vì hành động phản ánh hay phản kháng những tiêu cực này, trong đó có nhóm phóng viên Báo Sạch.
Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Mục tiêu này dẫn đến việc đưa ra các cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển đường bộ cao tốc, đặc biệt là vấn đề đầu tư vào các dự án BOT giao thông trên toàn quốc.
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội vào năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 7/2021, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông giảm 3,57% so cuối năm 2020, chiếm 1,07% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nhưng khả năng nợ xấu tăng lên trong thời gian tới vì nhiều nguyên do, trong đó có lý do nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, khó có khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động, nhiều dự án sụt giảm doanh thu so phương án tài chính ban đầu khi chính sách thu phí không ổn định, ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này cao hơn khoảng bốn lần so con số nợ xấu chung của toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, NHNN vào năm ngoái đã ra văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, trong đó có liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản.