Đường dẫn truy cập

Đại sứ tiết lộ giá xăng Malaysia chưa bằng nửa giá ở Việt Nam, Bộ Công thương yêu cầu ‘giải trình rõ’


Giá xăng được thay đổi tại một cây xăng ở Việt Nam vào chiều 1/6/2022. Ảnh chụp màn hình từ trang tin vnexpress.net
Giá xăng được thay đổi tại một cây xăng ở Việt Nam vào chiều 1/6/2022. Ảnh chụp màn hình từ trang tin vnexpress.net

Bộ Công thương Việt Nam hôm 3/6 nói Bộ này đang đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia “giải trình rõ” về nội dung phát ngôn của ông trên báo chí, trong đó có thông tin về giá xăng tại Malaysia hiện chỉ 13.000 đồng/lít, trong khi giá xăng tại Việt Nam đã tăng lên đến 31.573 đồng/lít.

Trước đó, hôm 2/6, tại hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, ông Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia cho biết giá xăng tại Việt Nam đã là 31.573 đồng/lít, trong khi xăng RON 95 tại Malaysia được chính phủ hỗ trợ giá cho người dân là 13.000 đồng/lít, theo tường thuật của báo Tiền Phong.

Ông Thái cho biết sau chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia sang Việt Nam, hai chính phủ Việt Nam và Malaysia đang đàm phán để Malaysia xuất sang Việt Nam 300.000 lít xăng RON 95, nhưng hiện vẫn chưa triển khai được nhiều. Ông nói thêm rằng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẵn sàng hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu xăng dầu của Malaysia để ổn định thị trường trong nước.

Ngay sau khi thông tin trên được tiết lộ với báo chí, công luận đã phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội và các diễn đàn truyền thông. Nhiều người bất bình cho rằng trong khi sản lượng khai thác dầu của Malaysia thấp hơn Việt Nam rất nhiều và thu nhập của người dân lại cao hơn, nhưng người Malaysia lại được hưởng mức giá xăng chưa bằng nửa giá xăng Việt Nam.

“Thấy nó hơi khập khiễng so với giá xăng ở Việt Nam. Nếu giá xăng (thế giới) cao, mà chính phủ trợ giúp cho dân, phụ phần cho dân nhẹ nhàng hơn thì đó là chính phủ Malaysia rất tuyệt vời”, ca sĩ Dũng Đinh ở TPHCM nói với VOA.

“Lo ngại nhất là đời sống của người dân mình vì giá xăng ảnh hưởng rất nhiều, bởi vì người dân sử dụng xăng dầu nhiều”, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người có cơ sở kinh doanh và làm việc với nhiều đối tác ở các nước trong khu vực, nói với VOA, và bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao khiến cho người dân “ngày càng nghèo đi” và nền kinh tế vốn đã chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 sẽ khó có khả năng phục hồi.

Giá xăng tại Việt Nam đã xác lập kỷ lục mới sau khi liên bộ Công thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày vào ngày 1/6, là lần thứ 10 tăng giá xăng kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, giá xăng RON 95 tăng thêm 921 đồng (0,04 USD)/lít, lên 31.578 đồng Việt Nam.

Bà Lê Hoài Anh cho biết mặc dù thường xuyên đi công tác qua lại với Malaysia và Indonesia nên biết giá xăng ở Malaysia rẻ, nhưng mức giá rẻ đến gần 1/3 so với giá xăng tại Việt Nam là một thông tin bất ngờ và gây lo ngại đối với bà.

“Tôi cũng lo ngại về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì xăng dầu là một trong những nguyên liệu sản xuất được dùng để chạy máy, (vận hành) nhà máy… Khi xăng dầu tăng, giá điện nước chắc chắn sẽ tăng theo, nhất là giá điện. Khi giá điện tăng, giá thành của sản phẩm sẽ phải tăng theo và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt sẽ kém đi so với các nước trong khu vực”, bà Lê Hoài Anh nói thêm.

Sau khi tìm hiểu, nữ doanh nhân Việt cho biết bà phát hiện không chỉ Malaysia, mà cả Indonesia và Philippines đều có giá xăng rất rẻ so với Việt Nam.

Trên thực tế, giá xăng ở Malaysia trong gần 3 tháng qua chưa tới 13.000 đồng/lít, mà ổn định ở mức chỉ khoảng 10.828 đồng/lít, theo trang GlobalPetroPrices.com, nghĩa là khoảng 1/3 giá xăng của Việt Nam.

Nhiều ý kiến trong công luận cho rằng xăng dầu tại Việt Nam hiện đang phải “gánh” quá nhiều loại thuế khiến cho mức giá bị đẩy lên quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.

Hiện nay, giá một lít xăng tại Việt Nam bao gồm 4 loại thuế: Thuế suất nhập khẩu 10%, thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường (sau khi đã được giảm 50% kể từ ngày 1/4/2022). Ngoài ra, người tiêu dùng còn phải trả thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập Quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp. Có thời điểm thuế phí chiếm tới 64% giá bán, theo báo Tuổi Trẻ.

Trả lời báo chí hôm 3/6 về thông tin liên quan đến giá xăng và nhập xăng dầu từ Malaysia, Bộ Công Thương Việt Nam nói giá xăng dầu của Malaysia thuộc mức thấp nhất thế giới là nhờ chính sách trợ giá nhiên liệu.

Bộ này giải thích trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000-11.000 đồng/lít). Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).

Vẫn theo Bộ này, chính phủ Malaysia đang trợ giá 1,65 RM (0,4 USD) cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85 RM (0,45 USD) cho mỗi lít dầu diesel. Như vậy, nếu chính phủ Malaysia không trợ giá và Việt Nam không đánh các loại thuế, phí, thì giá xăng RON95 của hai quốc gia là “tương đương nhau”, với giá xăng Malaysia sẽ là 0,87 USD/lít, và giá xăng tại Việt Nam sau khi bỏ các loại thuế phí là khoảng 0,86 USD/lít.

Phản ứng trước những giải thích của Bộ Công thương, nhiều người đặt câu hỏi tại sao chính phủ Việt Nam không có biện pháp trợ giá cho xăng dầu, vốn là xương sống của mọi ngành hàng, giống như chính phủ Malaysia.

Ông Dũng Đinh bày tỏ: “Tôi chỉ đau lòng thôi. Nước mình có mỏ dầu mà, tại sao phải khai thác dầu thô rồi đi bán cho nước ngoài giá rẻ để cuối cùng nhập xăng dầu vô giá mắc? Tôi không biết cơ cấu hay suy nghĩ, kinh doanh của mình có giỏi chưa? Vì dân hay vì riêng? Tôi có quan tâm cũng không được. Tôi chỉ buồn vì tại sao nước mình có mỏ dầu mà phải chịu phí xăng quá mắc. Tôi không dám có ý kiến vì không hiểu được cơ cấu như thế nào. Mà có hiểu và lên tiếng nói thì có được gì đâu?”

Trả lời về thông tin Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam với mức xuất khẩu 300.000 lít xăng RON 95, Bộ Công Thương nói với tư cách là bộ chuyên ngành quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu xăng dầu và là bộ đối tác của Malaysia nhưng cho đến nay, Bộ “chưa hề nhận được thông tin này”. Bộ này cho biết đang đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia có thông tin làm rõ thêm về những nội dung đã phát ngôn trên báo chí thời gian vừa qua.

Tại kỳ họp thứ ba, khóa 15, đang diễn ra của Quốc hội Việt Nam, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về tác động của giá xăng dầu cao dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao và đề nghị chính phủ có các biện pháp điều tiết để bình ổn giá cả.

VOA Express

XS
SM
MD
LG