Đường dẫn truy cập

Vụ linh mục bị giết ở Kon Tum: Kết luận giám định tâm thần thủ phạm ‘gây hoang mang’


Di ảnh của Lm. Giuse Trần Ngọc Thanh tại gia đình.
Di ảnh của Lm. Giuse Trần Ngọc Thanh tại gia đình.

Kết quả giám định tâm thần của hung thủ gây ra vụ giết hại linh mục dã man ở Kon Tum đang khiến công chúng nghi ngờ và hoang mang khi cho rằng bị can “mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi”, một kết luận tương tự với vụ hung thủ đâm linh mục và đốt nhà thờ ở Gia Lai trước đó.

Theo thông báo kết luận giám định mà cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Kon Tum gửi cho gia đình Linh mục Trần Ngọc Thanh và nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, kết quả giám định sức khoẻ tâm thần của bị can Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1989) là “Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và hiện tại bị can Nguyễn Văn Kiên bị bệnh: Rối loạn hoang tưởng dai dẳng, giai đoạn hoang tưởng chi phối”.

Theo đó, thông báo cho biết thêm rằng “Kết luận về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi: Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và hiện tại bị can Nguyễn Văn Kiên: Mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi”.

Cơ quan giám định đề nghị “áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc” đối với Nguyễn Văn Kiên.

Trước đó vào ngày 29/1/2022, trong lúc đang giải tội cho giáo dân tại , Giáo họ Sa Loong, thuộc Giáo xứ Đăk Mốt, Giáo phận Kon Tum, Linh mục Trần Ngọc Thanh (41 tuổi) đã bị Nguyễn Văn Kiên tấn công bằng cách dùng dao chém nhiều nhát vào đầu. Mặc dù được được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng LM. Thanh đã không qua khỏi. Ông qua đời vào buổi tối cùng ngày.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một thành viên trong nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía người bị hại, nói với VOA rằng ông và gia đình “bất ngờ” khi nhận được kết luận giám định.

“Gia đình và các luật sư bất ngờ là vì họ cho rằng hung thủ mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, thì thấy nó khiên cưỡng quá. Theo nhận thức của gia đình, khi xảy ra (vụ giết người) thì cũng nghe gia đình của bị can nói rằng bị can có dấu hiệu không bình thường về đời sống, như là khó chịu với gia đình, là người Công giáo nhưng mất đức tin, không đi nhà thờ và không muốn mẹ đi, rồi có vẻ ghét các linh mục… cũng không bình thường. Nghe là như vậy nhưng nói rằng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì quá đáng”, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nói.

Ông giải thích thêm: “Vì nếu mất khả năng như vậy thì phải có những biểu hiện khác hơn như từng đi chữa trị, có những biểu hiện của người không còn khả năng điều khiển hành vi như là không biết việc mình làm. Còn đằng này, bị can vẫn điều khiển xe gắn máy từ nhà đến nơi, rồi gửi xe, rồi ra tay hành động, trước đó còn rình rập. Sau khi xảy ra vụ án và hình ảnh đưa lên truyền thông thì anh ta cũng trả lời đã giết người. Thật ra, phía gia đình hay luật sư không có đủ chuyên môn để đánh giá bị can như thế nào là mất năng lực hành vi, nhưng theo suy nghĩ thông thường thì thấy (kết luận) như vậy là không ổn, không đúng. Trong khả năng của mình thì trước hết yêu cầu giám định lại để xem khả năng ra sao”.

Gia đình LM. Trần Ngọc Thanh hôm 31/5 đã gửi đơn yêu cầu trưng cầu giám định tâm thần lại đối với Nguyễn Văn Kiên tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Hà Nội và không đồng ý áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với bị can.

Vụ sát hại dã man linh mục Trần Ngọc Thanh đã gây chấn động và phẫn uất đối với nhiều người, đặc biệt là cộng đồng giáo dân Công giáo. Nhiều người đã đưa ra dự đoán ngay sau khi sự việc xảy ra rằng vụ án có lẽ sẽ lại “chìm xuồng” và thủ phạm sẽ lại “bị tâm thần” giống như vụ Linh mục Trần Quang Truyền (70 tuổi) bị đâm trước đó vào tháng 4/2021. Bị cáo Trần Trọng Ca, người đã đâm LM. Truyền và một giáo dân sau đó đốt nhà thờ, mặc dù đã bị công an bắt giam để điều tra về hành vi giết người nhưng vụ án cuối cùng cũng không đi đến đâu vì cơ quan chức năng cho rằng Ca có biểu hiện tái phát bệnh tâm thần khi gây án.

Sau khi kết quả giám định tâm thần đối với Nguyễn Văn Kiên được đưa ra, nhiều phản ứng bất bình đã được bày tỏ trên các trang mạng xã hội. Theo LS. Trịnh Vĩnh Phúc, người từng đến làm việc và tiếp xúc với cộng đồng địa phương nơi xảy ra vụ sát hại LM. Trần Ngọc Thanh, kết quả giám định mới đưa ra càng khiến cho công luận thêm hoang mang, nghi ngờ và lo lắng cho sự an toàn của người hành đạo.

Ông nói: “(Vụ án) đó là sự chấn động tâm lý rất lớn của bao nhiêu người. Người ta kinh hoàng và lo sợ vì một người đang đi làm phận sự như vậy mà lại bị giết chết. Trước đó cũng có linh mục từng bị đâm, rồi được biết là kẻ gây án cũng có dấu hiệu tâm thần. Rồi giờ xảy ra chuyện như vậy thì tất nhiên là một sự chấn động lớn. Bây giờ nghe nói tới trường hợp này người ta rất hoang mang, muốn làm sáng tỏ vì sao kẻ thủ ác có thể ra tay một cách nghiệt ngã, man rợ như vậy. Hiện nay khi kết quả giám định như thế này được công khai trên truyền thông thì nó cũng tạo tâm lý khiến nhiều người lo lắng”.

LS. Trịnh Vĩnh Phúc cho rằng một cuộc giám định tâm thần lại là điều rất cần thiết để giải toả những nghi ngờ và thắc mắc trong công luận xung quanh vụ án mạng gây chấn động này.

Tình trạng các giáo sĩ, mục sư, chức sắc, tín đồ các tôn giáo bị đàn áp, tấn công, sát hại tại Việt Nam đang trở thành một hiện tượng đáng báo động. Tổ chức BPSOS (Uỷ ban Cứu người Vượt biển) tại Hoa Kỳ vào tháng 4/2022 đã đưa ra cảnh báo quốc tế về tình trạng “kích động hận thù” nhắm vào vào các tôn giáo tại Việt Nam, đồng thời thành lập khẩn cấp toán công tác để theo dõi diễn tiến, viết báo cáo và vận động quốc tế lên tiếng về tình trạng này, ngay sau khi xảy ra vụ sát hại LM. Trần Ngọc Thanh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG