Một chủ tiệm nail ở bang North Carolina, Hoa Kỳ, vừa bị kết án 15 năm tù vì bị cáo buộc đã ép một nữ nhân viên làm việc miễn phí và đánh đập cô này vì khoản nợ 180.000 đô la bịa đặt ra.
Theo thông báo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vào ngày 15/7, bà Thuy Tien Luong, 38 tuổi, đã bị Thẩm phán Kenneth D. Bell của Tòa án Quận Hoa Kỳ kết án 15 năm tù và yêu cầu phải trả 75.000 đô la tiền bồi thường cho nạn nhân về tội “cưỡng bức lao động” đối với một nữ nhân viên.
Theo các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa, chủ tiệm nail người Việt bị cáo buộc đã cưỡng bức lao động đối với nạn nhân trong gần hai năm, với nhiều hình thức trừng phạt, kể cả về thể chất lẫn tinh thần và bằng lời nói khi nạn nhân không nghe lời hoặc không làm cho bị cáo hài lòng.
Cáo trạng cho biết bà Luong bắt đầu thu tiền từ nạn nhân và tăng dần lên đến 180.000 đô la, trong đó cứ mỗi khi bị khách hàng phàn nàn thì cô sẽ bị thu 1.000 đô la, sau đó bắt cô ký hợp đồng nợ và đe dọa sẽ tố cáo với cảnh sát nếu nạn nhân không tiếp tục làm việc để trả món nợ “bịa đặt” này.
Chủ tiệm nail Việt cũng bị cáo buộc đã đánh nạn nhân bằng các dụng cụ làm móng, bao gồm đồ cắt da, dũa móng tay và chổi khiến nạn nhân có những vết sẹo, vết bầm tím trên cơ thể.
Ba Luong còn đe dọa sẽ hủy hoại danh tiếng của nạn nhân với gia đình cô bằng cách đe dọa sẽ cho họ biết những thông tin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của nạn nhân với gia đình. Những hành động trên của chủ tiệm nail đã khiến nữ nhân viên buộc phải tiếp tục làm việc cho chủ cho tới khi xảy ra một vụ đánh đập nghiêm trọng, khi nạn nhân trở về nhà với chiếc mũi hỏng, mắt bầm đen và tét môi, gia đình đã thuyết phục cô phải trình báo với cảnh sát.
“Hành vi phạm tội nghiêm trọng của Luong là một hình thức buôn người, không chỉ vi phạm luật bóc lột lao động của quốc gia chúng ta, mà còn khiến nạn nhân bị tổn hại khôn lường, bao gồm cả hành hạ thể xác và tinh thần”, Đặc vụ Ronnie Martinez, người giám sát Điều tra An ninh Nội địa (HSI) ở North Carolina và South Carolina, nói.
“Không có chỗ cho những hành vi tàn ác như vậy trong xã hội của chúng ta”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Kristen Clarke, thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nói và cam kết rằng việc loại bỏ nạn buôn người là một trong những ưu tiên hàng đầu của cơ quan này.