“Tôi ra cây xăng thì không đổ được…Hôm sau mình lấy xe vợ đi, còn vợ ở nhà tranh thủ ra xếp hàng mua xăng,” Trần Ngọc Anh, một công chức nói với VOA và cho biết rằng may mà vợ anh đang tạm nghỉ làm nên anh không phải xin đi muộn hay nghỉ sớm để xếp hàng chờ đợi trong những ngày hàng loạt cây xăng ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương phía Nam không đủ xăng cung ứng khiến nhiều người hoang mang lo lắng.
Anh Nguyễn Minh Quang, một phóng viên làm việc cho nhà nước được giao nhiệm vụ theo dõi tình hình bán lẻ xăng dầu vài tuần gần đây, cho hay bản thân anh đã phóng xe đi khắp các cây xăng trong thành phố và đã chứng kiến những chuyện dở khóc, dở cười.
“Tôi đi đổ xăng cho xe máy của tôi, mà chờ đến 30 phút vẫn chưa đổ được, tôi không chờ được, phải đi chỗ khác, nhưng chỗ khác cũng đông. Có người còn rút bật lửa ra doạ có đổ cho người ta không, không thì người ta đốt cây xăng”.
Anh Quang nói nhiều chục năm rồi kể từ khi bỏ cơ chế tập trung bao cấp, anh mới chứng kiến cảnh người ta xếp hàng dài chờ đợi để được mua xăng và cảnh bán xăng theo định mức một xe máy chỉ mua được 30.000 đồng xăng, như kiểu tem phiếu thời bao cấp.
“Các đầu mối xăng dầu thời gian qua nhập nhiều xăng dầu giá cao về, trong khi đó gần đây giá xăng dầu trong nước lại liên tục giảm. Thành ra nó có nhiều bất cập lắm. Làm sao giải quyết được để người ta bán xăng người ta còn có lãi thì mới hoạt động được. Đây là cơ chế thị trường, cây xăng tư nhân người ta có làm nhiệm vụ chính trị gì ở đây đâu. Người ta không có lãi thì người ta cũng nghỉ bán chứ. Bán lẻ thì người ta nhiều chi phí như trả lương nhân viên, mặt bằng, kho bãi các thứ mà bán không có lãi thì họ không bán,” nhà báo Minh Quang chia sẻ ghi nhận của mình.
Anh cho biết dù tình hình hiện nay đã dịu lại nhưng một hai hôm nay lại xuất hiện tình trạng một vài cây xăng treo biển đóng cửa.
Anh Nguyễn Thành Minh, một người hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu lâu năm, cho biết lý do về tình trạng lúc đóng lúc mở của các cây xăng trên địa bàn thành phố:
“Ngày xưa tôi thấy ở đâu rẻ tôi mua về tôi bán thì nó lại khác. Nhưng bây giờ thì nó bắt là mua của đầu mối nào thì phải mua của đầu mối ấy, không được mua ở ngoài. Và khi đã ký với một đầu mối rồi, dẫn đến cái độc quyền là đã ký hợp đồng rồi thì cái chiết khấu % hoàn toàn là do đầu mối quyết. Mà cái chiết khấu lại theo ngày, có ngày chiết khấu là 0 đồng thì có nghĩa là mình bán không công. Trong khi đó mình phải trả tiền điện, tiền nhân công bơm xăng, tiền mặt bằng, nói chung là mình trả hết trong khi bán được lít xăng nào thì trả tất cho đầu mối cung cấp thì có nghĩa là lỗ nặng chứ. Lỗ là lỗ ở chỗ đấy.”
Cũng theo anh Minh, cơ chế xin-cho của thời bao cấp lại được hình thành trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam khi mà giờ đây các cây xăng tư nhân bị bó buộc hoàn toàn với đầu mối cung cấp, không còn được lựa chọn nơi mua hàng như xưa.
“Bộ Công Thương bắt như thế, viện lý do để quản những doanh nghiệp đầu mối cho nó đồng loạt và chỉ cần nắm những doanh nghiệp đầu mối thôi.”
Nhưng không ngờ dưới doanh nghiệp đầu mối lại là một câu chuyện khác, theo lời anh Minh.
“Nó lại là xin-cho...bây giờ phải đăng ký mua…và phải chờ duyệt. Nên nó dẫn tới chuyện ‘đi đêm’ giữa cây xăng bán lẻ và doanh nghiệp đầu mối...Vì thế mà các cây xăng bán lẻ không thể không gian lận, đong điêu cho khách để mà sống chứ,” anh Minh bộc bạch.
Bộ Công thương hôm 12/10 nói lượng xăng dầu nhập khẩu và hiện có trong kho dự trữ của các doanh nghiệp nhập khẩu là đủ cung ứng, không thiếu.
Tờ Thanh niên nói tại một số nơi ở TP.HCM, nhiều người vẫn phải đi hai, ba chỗ mới đổ được bình xăng và ngay cả cây xăng của doanh nghiệp nhượng quyền từ Petrolimex cũng báo hết xăng.
Một số doanh nghiệp bán lẻ nói với tờ Tuổi trẻ rằng với mức chiết khấu rất thấp, chỉ 200 - 300 đồng/lít, các doanh nghiệp bán lẻ xăng đang gặp khó khăn, thu không đủ chi cho mặt bằng, nhân công.
Diễn đàn