Đường dẫn truy cập

EU hoan nghênh Việt Nam chấm dứt ‘phân biệt đối xử’ với dược phẩm châu Âu


EU cho rằng nhiều hãng dược phẩm của các nước thành viên của họ trước đây phải đối mặt với các quy trình phê duyệt dài và phức tạp hơn vì cách "đối xử khác biệt" tại Việt Nam.
EU cho rằng nhiều hãng dược phẩm của các nước thành viên của họ trước đây phải đối mặt với các quy trình phê duyệt dài và phức tạp hơn vì cách "đối xử khác biệt" tại Việt Nam.

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 20/10 ra thông cáo “hoan nghênh” Việt Nam xoá bỏ phân biệt đối xử đối với nhiều cơ quan quản lý của các quốc gia thành viên EU về các sản phẩm dược.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 20/10, khi Thông tư số 8 của Bộ Y tế Việt Nam về Thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc bắt đầu có hiệu lực, dược phẩm từ tất cả các quốc gia thành viên EU sẽ được hưởng thủ tục đăng ký đơn giản và nhanh hơn, cũng như việc tham gia vào việc mua sắm của chính phủ dễ dàng hơn.

“Điều này sẽ cho phép các sản phẩm dược của EU tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn, mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng Việt Nam về khả năng tiếp cận thuốc chữa bệnh”, thông cáo của EC nói.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 8 vào ngày 5/9, trong đó quy định thời hạn nhất định cho mỗi bước giải quyết giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Theo thông tư này, tổng thời gian Cục Quản lý Dược cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc tối đa là 12 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với yêu cầu cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Nếu hồ sơ không đạt, Cục Quản lý Dược phải có văn bản trả lời theo kết luận của Hội đồng đối với hồ sơ thẩm định và nêu rõ lý do.

“Trong tương lai, tất cả các nhà sản xuất EU sẽ được đối xử bình đẳng, bao gồm các công ty dược phẩm được thành lập ở Tây Ban Nha, Ba Lan, Ý và Hungary, những công ty trước đây phải đối mặt với các quy trình phê duyệt dài và phức tạp hơn vì cách đối xử khác biệt đối với các cơ quan quản lý của các quốc gia thành viên EU”, thông cáo của châu Âu nói.

Ủy ban châu Âu cho biết kết quả có được là do nhiều tháng nỗ lực không ngừng của uỷ ban và sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng Việt Nam, và kết quả này “cho thấy giá trị của việc có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam”.

Xuất khẩu dược phẩm của EU sang Việt Nam trị giá 1,5 tỷ EUR mỗi năm, đóng góp vào việc làm và khả năng phục hồi kinh tế của EU, uỷ ban của châu Âu cho biết.

Châu Âu cũng kêu gọi Việt Nam chớ chậm trễ trong việc “đảm bảo một hệ thống quản lý thị trường minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG