Việc Việt Nam chưa đồng ý đối với khoản trợ giúp hàng tỉ đô la của các nước giàu để cắt giảm lượng khí thải carbon được xem là một đòn giáng mạnh vào Liên Hiệp Quốc và nhóm G7 trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hãng tin Reuters hôm 28/10 dẫn các nguồn tin cho biết các quốc gia giàu có phương Tây đang vật lộn để hoàn tất thỏa thuận với Việt Nam sau khi cam kết hàng tỷ đô la để giúp quốc gia Đông Nam Á cắt giảm lượng khí thải carbon.
Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới dự kiến sẽ hưởng lợi trong khoản cam kết 8,5 tỷ đô la từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ và EU trong vòng 3-5 năm để tăng tốc việc chuyển đổi sang năng lượng sạch. Nhưng theo các nguồn tin phương Tây nói với Reuters, thỏa thuận này đang bị trì hoãn bởi tình trạng chia rẽ chính trị trong nước. Khoản trợ giúp tài chính, chủ yếu là các khoản vay và một số trợ cấp nhỏ, có vẻ như không đủ hấp dẫn đối với Hà Nội.
“Chúng ta còn khá xa mới đạt được một thỏa thuận”, một quan chức phương Tây nói với Reuters và cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán tại Hà Nội vào tuần trước giữa một phái đoàn gồm các chuyên gia EU và các đối tác Việt Nam đã không đạt được bước đột phá.
Một nguồn tin thứ hai xác nhận với hãng thông tấn Anh rằng không chắc liệu có thể đạt được tiến độ thoả thuận kịp thời cho hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP27 tại Ai Cập, dự kiến bắt đầu vào ngày 6/11 hay không.
Việc không có một thỏa thuận nào với Việt Nam vào giữa tháng tới được xem là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và G7 nhằm lôi kéo các nước phụ thuộc vào than đá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sau khi đạt được ít tiến bộ với Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ than lớn thứ hai sau Trung Quốc.
Việt Nam nằm trong số 20 nước tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới và lượng khí thải carbon của nước này dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân khi đất nước 100 triệu dân phát triển nhanh chóng, trừ khi Việt Nam nhanh chóng chuyển hướng sang năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng ít ô nhiễm khác.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm ngoái, Việt Nam cam kết loại bỏ dần và chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2040. Tuy nhiên, kế hoạch này đòi hỏi sự đầu tư đáng kể và sự hỗ trợ của các quốc gia giàu có hơn.
Để hỗ trợ cho cam kết của Việt Nam, các nước giàu đã cung cấp cho Việt Nam khoản vay giá rẻ khoảng 2 tỷ đô la và đang xem xét hỗ trợ tài chính nhiều hơn nhưng nhỏ hơn trong các khoản tài trợ, một quan chức Liên minh châu Âu nói với Reuters.
Tuy nhiên, quan chức giấu tên nói rằng có nguy cơ thỏa thuận với Việt Nam sẽ không được ký kết vào tháng tới.
EU hiện đang dẫn đầu, cùng với Anh, thay mặt cho các nhà tài trợ G7 đàm phán với Việt Nam.
Cả EU và chính phủ Việt Nam đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề này.
‘Một số lực lượng’ chống lại việc chuyển đổi
Quan chức EU nói với hãng thông tấn Anh rằng các cuộc đàm phán bị cản trở bởi sự chia rẽ trong nội bộ Việt Nam vì các điều kiện liên quan đến tài trợ có thể hạn chế quyền lực của một số cơ quan chức năng.
Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu, ông John Kerry, trong bài phát biểu tại một cuộc họp báo tuần này cũng nói rằng “một số lực lượng” ở Việt Nam đang chống lại việc chuyển đổi khỏi than đá, thực sự sẽ gây tụt hậu về kinh tế”.
Theo nguồn tin từ EU, trong số các dự án mà các quốc gia phương Tây đề nghị hỗ trợ là nâng cấp lưới điện của Việt Nam để giảm rò rỉ, xây dựng thêm các trang trại điện gió ngoài khơi và cơ sở hạ tầng thủy điện, mở rộng mạng lưới đường sắt ở các thành phố lớn như một giải pháp thay thế cho ô tô và xe máy.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán Việt Nam tỏ ra không mấy quan tâm đến đầu tư nước ngoài vào mạng lưới điện và năng lượng gió, nguồn tin này cho biết.
Theo các nguồn tin và tài liệu nội bộ EU mà Reuters đọc được, một thỏa thuận dự kiến sẽ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh COP27.
Một dự thảo tuyên bố do các quan chức Liên minh châu Âu chuẩn bị trước hội nghị thượng đỉnh của các nước EU và Đông Nam Á vào tháng 12 đã coi thỏa thuận này là điều hiển nhiên.
Dự thảo văn bản ngày 6/10 của EU nói: “Quan hệ Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng (JETP) đã được nhất trí giữa các thành viên G7, bao gồm EU, Việt Nam và Indonesia”.
“Việc ra mắt chính thức JETP có thể diễn ra bên lề COP27 tại Sharm el Sheikh cho Việt Nam”, một tài liệu nội bộ thứ hai của EU đề ngày 12/10 bao gồm các chi tiết về kế hoạch của EU để bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tương tự với Indonesia.
Tài liệu cho biết quan hệ đối tác với Indonesia có thể được đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 15-16/11 tại Bali, nhưng nó có thể không liên quan đến tài trợ của phương Tây, quan chức EU cho biết.
Diễn đàn