Đại sứ Trung Quốc tại Bern nói với tờ NZZ am Sonntag rằng Thụy Sĩ nên tránh đi theo Liên hiệp châu Âu, chớ có áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc nếu Thụy Sĩ quan tâm đến quan hệ giữa hai nước.
Năm ngoái, EU cáo buộc các quan chức Trung Quốc giam cầm hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Bắc Kinh kể từ lệnh cấm vận vũ khí năm 1989 sau cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn.
Thụy Sĩ vẫn chưa quyết định đi theo hành động tiên phong của EU.
Đại sứ Trung Quốc tại Bern, Wang Shihting, nói với NZZ am Sonntag: “Bất kỳ ai mà thực sự quan tâm đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước và là người hoạch định chính sách có trách nhiệm đều sẽ không đồng ý với các lệnh trừng phạt”.
Ông nói thêm: “Nếu Thụy Sĩ thông qua các biện pháp trừng phạt và tình hình đi theo hướng mất kiểm soát, quan hệ Trung Quốc-Thụy Sĩ sẽ bị ảnh hưởng”.
Người đứng đầu cơ quan thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế của Thụy Sĩ cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên báo chí vào tháng 7 là bà dự báo rằng đất nước trung lập này sẽ áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào mà EU đưa ra nhằm vào Trung Quốc nếu nước này xâm lược Đài Loan.
Khi công bố chiến lược mới về Trung Quốc vào năm ngoái, Bern đã công bố một số thay đổi chính sách cụ thể và nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương. Nhưng họ cũng nói thẳng thắn hơn về việc không chấp nhận hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc so với những gì họ thường làm trong quá khứ.
Năm 1950, Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận nhà nước Trung Quốc Cộng sản. Kể từ năm 2010, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ ở châu Á, và lớn thứ ba trên toàn cầu, sau EU và Hoa Kỳ.
Một hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước có hiệu lực vào tháng 7/2014, và hai nước trong năm nay đã ra mắt một nền tảng chung về niêm yết và giao dịch chứng khoán.
(Reuters)
Diễn đàn