Đường dẫn truy cập

Các nhà hoạt động đưa biểu tình về công nhân Qatar về quê hương Chủ tịch FIFA


Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino, tại cuộc họp báo vào ngày 19/11/2022 ở Doha, Qatar.
Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino, tại cuộc họp báo vào ngày 19/11/2022 ở Doha, Qatar.

Một nhóm hoạt động đã dựng lên các biểu ngữ biểu tình ở thành phố Brig, quê hương Thụy Sĩ của Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino, hôm thứ Tư (7/12) để yêu cầu tổ chức bóng đá thế giới bồi thường cho những người lao động nhập cư bị cáo buộc bị lạm dụng nhân quyền ở Qatar, nước đăng cai giải bóng đá thế giới năm nay.

Các bảng biểu tình di động mang thông điệp “Ông Infantino: Gia đình ông là người di cư”, “Hàng nghìn người di cư như vậy là nạn nhân của World Cup này” và “Hãy bồi thường cho họ ngay bây giờ”.

Cuộc biểu tình của nhóm chiến dịch Avaaz bao gồm cả một người đóng giả ông Infantino đang cầm chiếc cúp vô địch thế giới.

Qatar, nơi người nước ngoài chiếm phần lớn trong tổng số 2,9 triệu dân, đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ các nhóm nhân quyền về cách đối xử với lao động nhập cư.

FIFA không có bình luận trực tiếp nào về cuộc biểu tình nhưng đã chỉ ra những bình luận của ông Infantino vào tháng trước ca ngợi một quỹ mà Qatar thành lập vào năm 2018 đã chi 350 triệu đô la cho người lao động trong các trường hợp chủ yếu liên quan đến việc trả lương muộn hoặc không trả.

Tờ Guardian của Anh năm ngoái đưa tin ít nhất 6.500 lao động nhập cư, nhiều người trong số họ làm việc trong các dự án tổ chức World Cup, đã chết ở Qatar kể từ khi nước này giành quyền tổ chức World Cup vào năm 2010.

Tổ chức Lao động Quốc tế đã đặt câu hỏi về con số đó, con số được cho là bao gồm tất cả các trường hợp tử vong trong dân di cư. Các nhà tổ chức World Cup Qatar cho biết đã có 3 trường hợp tử vong liên quan đến công việc và 34 trường hợp tử vong không liên quan đến công việc đối với các công nhân tại các địa điểm tổ chức World Cup 2022.

Tổ chức Ân xá và các nhóm nhân quyền khác đã kêu gọi FIFA bồi thường cho những người lao động nhập cư ở Qatar vì những vi phạm nhân quyền bằng cách dành ra 440 triệu đô la, tương đương với số tiền thưởng World Cup.

FIFA cho biết họ đang đánh giá đề xuất của Tổ chức Ân xá và thực hiện “quy trình thẩm định chưa từng có liên quan đến việc bảo vệ những người lao động có liên quan”.

Nghị viện EU tháng trước đã thông qua một nghị quyết kêu gọi FIFA giúp bồi thường cho gia đình của những người lao động nhập cư đã thiệt mạng, cũng như những người lao động bị lạm dụng nhân quyền trong quá trình chuẩn bị cho World Cup.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG