Hai nguồn tin phương Tây nói với Reuters hôm thứ Tư rằng Nhóm Bảy nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ cung cấp 15,5 tỷ đô la cho Việt Nam để giúp nước này chuyển dịch khỏi than đá.
Đây sẽ là thỏa thuận thứ ba thuộc loại này mà các quốc gia G7 đạt được trong bối cảnh các quốc gia giàu có, phát thải nhiều, vấp phải áp lực yêu cầu giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch sang năng lượng sạch hơn. Nhóm này đã ký các thỏa thuận tương tự vào năm ngoái với Nam Phi và với Indonesia tháng trước.
Việt Nam, vốn nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than hàng đầu thế giới, ban đầu dự kiến ký kết cái gọi là "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" với các quốc gia G7 tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu COP27 vào tháng 11, nhưng các cuộc đàm phán cấp cao đã bị đình trệ trước cuộc họp.
Để thuyết phục Việt Nam ủng hộ lời đề nghị, các nhà đàm phán phương Tây do Liên minh Châu Âu và Anh dẫn đầu đã nhiều lần tăng số tiền tài trợ cho Hà Nội.
Một nửa trong số 15,5 tỷ đô la đã thỏa thuận sẽ đến từ lĩnh vực công và phần còn lại từ các nhà đầu tư tư nhân, theo các nguồn tin không muốn nêu tên vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Một trong những nguồn tin cho biết, chỉ một phần nhỏ sẽ được cung cấp dưới dạng tài trợ, trong khi phần lớn đầu tư công sẽ là các khoản vay.
Một số tiền ban đầu của khoản 15,5 tỷ đô la cam kết sẽ được giải ngân trong vòng 3 đến 5 năm tới, một nguồn tin cho biết.
Các nước phương Tây đã thúc đẩy khoản ngân quỹ sử dụng vào các dự án điện gió ngoài khơi và nâng cấp lưới điện quốc gia ở Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam không phản hồi tức thời yêu cầu bình luận của Reuters.