“Không có đơn hàng thì bắt buộc phải nghỉ thôi.” Đó là lời ca thán của anh Nguyễn Thanh Trung, một công nhân làm việc trong lĩnh vực dệt may tại một khu công nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc, giáp ranh với thủ đô Hà Nội.
Anh Trung và hơn 300 công nhân của doanh nghiệp may xuất khẩu này vừa được thông báo cho nghỉ từ ngày 10/12 cho tới 07/02, nghĩa là nghỉ Tết tới gần hai tháng. Anh Trung nói gần hai chục năm đi làm công nhân tại khắp các khu công nghiệp ở phía Bắc chưa bao giờ anh ‘được’ nghỉ Tết dài như vậy. Tuy nhiên, anh cho biết điều này anh đã dự đoán trước bởi gần đây anh và hầu hết công nhân trong nhà máy đã phải đi làm cầm chừng, buổi làm buổi nghỉ, trước tình trạng đơn hàng giảm mạnh.
Anh hiện lo lắng không biết tới đầu tháng Hai có được quay trở lại làm việc như lời hứa hay không. Anh nói cả nhà bốn miệng ăn mà hai vợ chồng đều nghỉ Tết sớm và có nguy cơ mất việc khi Tết cận kề như thế này thì đúng là khủng khiếp. Vợ chồng anh đang sắp xếp để về quê sống dựa vào mảnh vườn và mấy sào ruộng của bố mẹ trong vài tháng tới. Chuyện ăn uống thì có thể miễn cưỡng đảm bảo được, nhưng không biết con cái học hành sẽ ra sao khi mà phải chuyển trường về quê theo bố mẹ, anh nói và cho biết thêm rằng về quê trong hoàn cảnh giáp Tết mà lại không ‘một xu dính túi’ như thế này đúng thật là ‘cực chẳng đã’.
Rất nhiều công nhân tại khắp các khu công nghiệp từ Nam chí Bắc năm nay ‘được’ cho nghỉ Tết sớm, đứng trước nguy cơ mất việc, ‘tiến thoái lưỡng nan’ ngay trước Tết vì doanh nghiệp không được đặt hàng.
Ngoài công nhân, nhiều thành phần lao động khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn ngay thời điểm giáp Tết.
Anh Nguyễn Minh Hà, một chủ vườn đào và quất ở Vĩnh Phúc, cho biết tới nay, tức chỉ còn khoảng tháng nữa là Tết, mà vườn cây cảnh của anh vẫn chưa bán được một gốc đào hay quất nào, khác hẳn với mọi năm khi rất nhiều người tìm tới mua đào, quất chơi Tết sớm.
“Mọi năm thì vào thời điểm này đào, quất đã rục rịch rồi. Nhà các đại gia đã lên vườn mua đào, quất về chơi sớm đến gần Tết vứt đi rồi mua gốc mới. Nhưng năm nay thì chưa thấy gì cả. Nói chung là kinh tế khó khăn. Dịch giã xong rồi lại khó khăn như thế này thì mệt,” anh Hà cho VOA biết.
Ngoài nghề trồng cây, gia đình anh Hà cũng kinh doanh thêm các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày cho các xóm công nhân làm việc trong các khu công nghiệp gần nhà, nhưng anh cho biết giờ đây nguồn thu khá đều đặn đó cũng không còn.
“Công nhân các khu công nghiệp thì cho nghỉ từ lâu rồi. Không có việc mà, nên họ bị cho nghỉ từ lâu rồi,” anh than vãn và lo rằng tình hình hiện tại sẽ còn kéo dài.
“Ở Việt Nam thì người ta cứ tin rằng Trung Quốc bỏ chính sách phong toả thì kinh tế phát triển trở lại, thông thương, nhập khẩu sẽ lại tốt lên. Báo chí toàn tuyên truyền kiểu đấy thôi. Nên mọi người hy vọng Trung Quốc thoát rồi, thì Việt Nam cũng sẽ đỡ đi,” anh nói và quả quyết không tin mọi chuyện lại đơn giản như thế.
Anh N.T, một phóng viên làm việc cho một cơ quan báo chí ở Hà Nội, cho biết trong chuyến công tác vào Nha Trang, trung tâm du lịch biển của miền Trung, anh đã chứng kiến sự vắng lặng khác thường khi hai nguồn khách chính của Nha Trang là Nga và Trung Quốc đều vắng bóng.
Anh cho biết từng dãy khách sạn và resort 5 sao đóng cửa tối om, không mấy người qua lại. Theo anh, dù Trung Quốc mở cửa trở lại thì cũng không có nhiều hy vọng cho du lịch Việt Nam vì du khách Trung Quốc “có sang ngay được đâu, mở cửa thì cũng mở cửa từng bước mà bản thân họ cũng đang khó khăn chứ có phải khá giả gì đâu.”
“Cái nền kinh tế Việt Nam nó bấp bênh là ở chỗ đấy. Tức là sống hoàn toàn dựa vào đầu tư nước ngoài, bán sức lao động giá rẻ, hoàn toàn phụ thuộc vào đơn hàng nước ngoài. Bây giờ không có đơn hàng thì người ta sa thải là đương nhiên rồi, không có cách nào khác cả. Cái lực lượng lao động đấy giờ không biết đi đâu về đâu cả vì kỹ năng lao động chỉ thế thôi, làm theo dây chuyền, làm cái giày cái dép… may cái quần cái áo thì trình độ đơn giản ấy mà,” anh nói.
Tại Hà Nội, người dân cũng đang hạn chế chi tiêu. Ngay cơ quan báo chí anh đang làm việc cũng đang gặp khó khăn khi khó thu hút được quảng cáo từ các doanh nghiệp. Anh N.T cho biết hàng quán cũng không đông đúc như mọi năm. Trước tình trạng ảm đạm của nền kinh tế nói chung, người ta đã ít nghĩ tới chuyện tụ tập, ăn nhậu tất niên.
Bà Hoàng Thị Nhung, một chủ tiệm cà phê lâu năm,cho biết chưa bao giờ tiệm của bà lại vắng vẻ như lúc này. Bà nói thường thì giáp Tết tiệm của bà luôn tấp nập, còn giờ đây lại hoàn toàn khác. Bà không biết sẽ cầm cự được bao lâu khi mà hàng tháng bà vẫn phải trả 30 triệu đồng cho tiền thuê mặt bằng.
“30 triệu thì phía trên cho thuê homestay được mười mấy triệu thì cũng đỡ được một nửa. Cà phê thì giờ chỉ bán từ sáng đến trưa thôi. Tối thì chỉ có lác đác vài người. Vắng lắm, lác đác ít người thôi,” bà Nhung than vãn và cho biết đây sẽ là một cái Tết buồn và thiếu thốn.
Bất chấp những thực tế đó, giới hữu trách khẳng định năm 2022 nền kinh tế Việt Nam “đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện,” lạm phát được kiềm chế đúng chỉ tiêu, dự kiến đạt tăng trưởng trên 8%. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh hôm 17/12 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023” tuyên bố kinh tế Việt Nam “phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có,” theo báo nhà nước.
Diễn đàn