Người đứng đầu NATO, ông Jens Stoltenberg, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Ba 31/1 cam kết tăng cường quan hệ, nói rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của nước này với Trung Quốc đã tạo ra môi trường an ninh căng thẳng nhất kể từ Thế chiến II.
Phát biểu trên được đưa ra trong một tuyên bố trong chuyến đi của ông Stoltenberg tới Nhật Bản sau chuyến thăm Hàn Quốc, trong đó ông kêu gọi Seoul tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và đưa ra những cảnh báo tương tự về căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
“Thế giới đang ở một bước ngoặt lịch sử trong môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II”, hai nhà lãnh đạo nói trong tuyên bố.
Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về các mối đe dọa hạt nhân từ Nga, các cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc gần Nhật Bản và việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng nếu Nga thắng ở Ukraine sẽ khuyến khích Trung Quốc vào thời điểm nước này đang tăng cường quân đội, và “bắt nạt các nước láng giềng cũng như đe dọa Đài Loan”.
Ông nói thêm rằng “Cuộc chiến này không chỉ là một cuộc khủng hoảng châu Âu mà còn là thách thức đối với trật tự thế giới”.
“Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ và rút ra những bài học có thể ảnh hưởng đến các quyết định trong tương lai của họ. Những gì đang xảy ra ở châu Âu hôm nay có thể xảy ra ở Đông Á vào ngày mai”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời ngay lập tức khi có đề nghị đưa ra bình luận về phát biểu mới nhất của ông Stoltenberg.
Đáp lại những bình luận tương tự mà ông Stoltenberg đưa ra trong chuyến thăm Seoul, Trung Quốc nói hôm 30/1 rằng họ là đối tác của các nước, không phải là thách thức và điều đó không đe dọa lợi ích hay an ninh của bất kỳ quốc gia nào.
Tuy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương có 30 quốc gia nằm ở châu Âu và Bắc Mỹ, song ông Stoltenberg cho biết các thành viên của tổ chức này bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa toàn cầu.
Ông Kishida và Tổng thống Yoon Suk-yeol đã trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm ngoái, trong tư cách quan sát viên.
Trung Quốc trước đây chỉ trích những nỗ lực của NATO nhằm mở rộng liên minh ở châu Á. Còn Nga, nơi luôn gọi cuộc xâm lược Ukraine là một “chiến dịch đặc biệt”, nhiều lần coi việc NATO mở rộng là mối đe dọa đối với an ninh của nước này.
Hồi tháng 12, Nhật Bản tiết lộ các kế hoạch sâu rộng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của mình, những thay đổi từng là điều không tưởng đối với một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình sẽ biến nước này trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuyên bố nói thêm rằng việc tăng cường hợp tác với NATO trong các lĩnh vực từ an ninh hàng hải và kiểm soát vũ khí đến không gian mạng và chống thông tin sai lệch sẽ tiếp tục giúp đáp ứng với môi trường chiến lược đang thay đổi.
Cuộc họp diễn ra vào lúc Nhật Bản chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 hàng năm vào tháng 5, khi đó, cuộc xâm lược Ukraine của Nga dự kiến sẽ là một chủ đề thảo luận chính.
Truyền thông Nhật Bản cho biết ông Kishida đang cân nhắc đến thăm Kyiv vào tháng 2 để củng cố sự ủng hộ của ông đối với Ukraine trong cuộc xung đột.
Diễn đàn