Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Myanmar hôm thứ Ba 31/1, đánh dấu hai năm ngày xảy ra cuộc đảo chính, với các biện pháp hạn chế đối với các quan chức về năng lượng và các thành viên của chính quyền quân sự, cùng với những người khác.
Theo một tuyên bố của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban Bầu cử Thống nhất, các doanh nghiệp khai thác mỏ, các quan chức năng lượng, các quan chức quân đội hiện tại và trước đây của Mynamar.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ nhắm mục tiêu vào các quan chức của Doanh nghiệp Dầu khí Myanma (MOGE) theo chương trình trừng phạt hiện tại đối với Myanmar, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.
Canada, Úc và Vương quốc Anh cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt vào thứ Ba.
Các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar đã lãnh đạo một cuộc đảo chính vào tháng 2/2021 sau 5 năm chia sẻ quyền lực căng thẳng dưới một hệ thống chính trị gần như dân sự do quân đội tạo ra, dẫn đến một thập niên cải cách chưa từng có.
Đất nước Myanamar đã rơi vào hỗn loạn kể từ đó, với một phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận, sau một cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào những người chống đối, khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây được tái áp đặt.
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, động thái hôm thứ Ba của Hoa Kỳ nhắm vào giám đốc điều hành và phó giám đốc điều hành của MOGE thuộc sở hữu nhà nước, là doanh nghiệp nhà nước tạo ra doanh thu lớn nhất cho chính quyền quân sự.
Những người ủng hộ nhân quyền từng kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với MOGE, nhưng Washington vẫn chưa chỉ định trừng phạt doanh nghiệp nhà nước này cho tới nay.
Ngoài ra, trong số những người bị Washington trừng phạt còn có Bộ trưởng Bộ Năng lượng Myo Myint Oo. Bộ Tài chính Mỹ nói rằng ông này đại diện cho chính phủ Myanmar trong các cam kết của ngành năng lượng trong nước và quốc tế, đồng thời quản lý các pháp nhân thuộc sở hữu nhà nước liên quan đến sản xuất và xuất khẩu dầu khí.
Doanh nghiệp khai thác số 1 và Doanh nghiệp khai thác số 2, đều là doanh nghiệp nhà nước, cũng như Ủy ban Bầu cử Thống nhất, cũng bị Hoa Kỳ trừng phạt.
Quân đội đã cam kết tổ chức bầu cử vào tháng 8 năm nay. Hôm 27/1, chính quyền Myanmar công bố những yêu cầu khó khăn đối với các đảng tham gia cuộc bầu cử, bao gồm cả việc tăng mạnh tiêu chuẩn về số lượng đảng viên của họ, một động thái có thể loại bỏ các đối thủ của quân đội và củng cố quyền lực của họ.
Các quy định đó có lợi cho Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển, một ủy ban quân sự có nhiều cựu tướng lĩnh, đã bị đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đánh bại trong các cuộc bầu cử năm 2015 và 2020.
NLD đã bị đè bẹp bởi cuộc đảo chính, với hàng ngàn thành viên của đảng này bị bắt hoặc bỏ tù, bao gồm cả bà Suu Kyi, và nhiều người khác đang lẩn trốn.
NLD hồi tháng 11/2023 mô tả cuộc bầu cử năm nay là “giả hiệu” và tuyên bố sẽ không thừa nhận kết quả. Cuộc bầu cử cũng đã bị các chính phủ phương Tây coi là nguỵ tạo.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Washington cũng nhắm mục tiêu vào các quan chức quân sự trước đây và hiện tại của Myanmar, cáo buộc Lực lượng Không quân tiếp tục tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay do Nga sản xuất đánh vào các lực lượng ủng hộ dân chủ và giết hại dân thường.
Hôm thứ Ba, Canada cũng nhắm mục tiêu vào 6 cá nhân và cấm xuất khẩu, bán, cung cấp hoặc vận chuyển nhiên liệu hàng không cho Myanmar, trong khi Úc nhắm mục tiêu vào các thành viên của chính quyền và một công ty do quân đội điều hành.
Vương quốc Anh trừng phạt hai công ty và hai cá nhân vì đã giúp cung cấp cho lực lượng không quân của Myanmar nhiên liệu hàng không được sử dụng để thực hiện các chiến dịch ném bom vào chính công dân Myanmar.
Diễn đàn