Đường dẫn truy cập

Mỹ bắn rụng khinh khí cầu Trung Quốc: Bang giao hai nước tiếp tục xuống cấp


Vụ khinh khí cầu sẽ khép lại hay mở ra những diễn biến kịch tính – vốn đang thu hút sự chú ý về mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc – thì chưa thể biết được vào lúc này.
Vụ khinh khí cầu sẽ khép lại hay mở ra những diễn biến kịch tính – vốn đang thu hút sự chú ý về mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc – thì chưa thể biết được vào lúc này.

Bắc Kinh nói lấy làm tiếc về một “phương tiện bay” sử dụng cho mục đích dân sự đã bị lạc vào không phận Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/2 cho đó là một tai nạn bất khả kháng, đồng thời cáo buộc các chính trị gia và truyền thông Mỹ nhân tình hình này để làm mất uy tín của Bắc Kinh.

Hoàng Trường Sa

Máy bay chiến đấu quân đội Mỹ đã bắn hạ một khí cầu tình nghi là phương tiện do thám của Trung Quốc khi nó dạt ra tới ngoài khơi bờ biển của bang South Carolina hôm 4/2. Vụ việc này sẽ khép lại hay mở ra những diễn biến kịch tính – vốn đang thu hút sự chú ý về mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc – thì chưa thể biết được vào lúc này. “Chúng tôi đã hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công của chúng ta đã làm điều đó,” Tổng thống Joe Biden tuyên bố. Ông Biden cho biết ông đã ra lệnh bắn hạ khí cầu này từ ngày thứ Tư, nhưng Lầu Năm Góc khuyến nghị đợi cho đến khi việc này có thể thực hiện được ngoài biển rộng. Các quan chức Mỹ trước đó đã tiết lộ cho công chúng biết sự hiện diện của khí cầu bên trên nước Mỹ vào ngày thứ Năm. Washington gọi đây là “sự vi phạm rõ ràng” chủ quyền của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin loan báo vụ bắn hạ trước tiên, nói rằng khí cầu đang được Trung Quốc sử dụng “trong nỗ lực do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa của Mỹ.” Một nhiếp ảnh gia Reuters chứng kiến vụ bắn hạ cho biết một luồng hơi trắng phát ra từ một chiếc máy bay phản lực, va vào khí cầu nhưng không có vụ nổ nào. Mỹ ngay lập tức đã thu hồi những thứ mà khí cầu chở theo.

Sau khi xảy ra vụ khinh khí cầu do thám, quan hệ Trung – Mỹ lại tụt xuống cấp độ mới. Trước khi Ngoại trưởng Anthony Blinken hoãn chuyến đi đến Bắc Kinh, mối quan hệ hai nước vốn đã xuống mức thấp chưa từng có trong vòng 5 năm qua. Mức độ này càng trở nên rõ rệt hơn, khi chỉ trước một ngày, theo kế hoạch ông Blinken đến Trung Quốc, một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua bầu trời bang Montana, khiến những căng thẳng mà ông Blinken muốn giải quyết lại trỗi dậy. Bộ Ngoại giao Trung Quốc buộc phải thừa nhận, chiếc khinh khí cầu không người lái ấy được dùng cho hoạt động nghiên cứu thời tiết và đã bị chệch khỏi lộ trình dự kiến ban đầu. Thể hiện tiếc nuối cho thấy, Bắc Kinh không muốn vụ việc gây ảnh hưởng đến chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, lần đầu tiên kể từ năm 2018. Vài giờ sau lời xin lỗi từ phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định hoãn chuyến đi và điều này khiến cho mọi sự đánh giá giờ đây càng phải thận trọng hơn trước.

Tại sao nên tiếp tục thận trọng?

Chuyến thăm chớp nhoáng, nếu vẫn xảy ra, khó có thể khắc phục những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới nghiên cứu dự đoán, chỉ có cách ứng xử với Nga có thể là lĩnh vực đạt được thỏa hiệp. Các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phân tích như vậy hôm 31/1/2023. Những khác biệt giữa hai nước về vấn đề Đài Loan cho thấy những điểm bất đồng gay gắt nhất trong bối cảnh có khả năng xảy ra xung đột xuyên eo biển trong quan hệ Mỹ – Trung. Các nhà phân tích Hoa Kỳ cho biết hôm đầu tuần trước rằng, Washington và Bắc Kinh quá khác biệt về hầu hết các vấn đề song phương nổi cộm để mối quan hệ của họ có thể cải thiện đáng kể khi Ngoại trưởng Antony Blinken gặp những người đồng cấp Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vấn đề quan hệ với Nga có thể là lĩnh vực sẽ cho một vài tiến bộ khả dĩ. Các cáo buộc về hỗ trợ từ Trung Quốc đối với cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine, thuế quan, nhân quyền, hạn chế xuất khẩu của Mỹ và hợp tác về biến đổi khí hậu đều nằm trong chương trình nghị sự, nhưng mỗi vấn đề đều có những trở ngại đáng kể đối với những bước đột phá tiềm năng.

Trước kế hoạch thăm Bắc Kinh của Blinken, bỗng dưng một tướng Mỹ đưa ra dự đoán sẽ có chiến tranh với Trung Quốc vào năm 2025. Trong một thông báo gửi quân sĩ dưới quyền, Tướng Michael Minihan tuyên bố, sở dĩ ông đưa ra dự đoán này là dựa trên hai sự kiện: Tập Cận Bình vừa “được bầu” cho nhiệm kỳ thứ ba và Đài Loan sẽ có bầu cử tổng thống vào tháng 1/2024. Khi đó, bà Thái Anh Văn phải rời ghế. Và còn nhiều thời điểm khác nữa được đưa ra về một cuộc tấn công vào Đài Loan. Đầu tiên là năm 2027, kỷ niệm 100 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân, kế đến là 2035, năm mà ông Tập muốn Trung Quốc “về cơ bản đạt được hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” và tiếp theo là 2049, 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân. Bây giờ thì ông tướng của Mỹ nói cuộc tấn công có thể xảy ra sớm hơn nữa. Trước đó, bỗng dưng Nhật Bản công bố tăng chi tiêu quốc phòng cỡ khủng và vạch ra một chiến lược an ninh quốc gia mới, có khả năng “phản công” hoặc tấn công tầm xa – hàm ý với tới các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục. Nhật Bản cũng thay đổi thái độ khi đồng ý và yểm trợ cho Mỹ tái cơ cấu một lữ đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ tại Okinawa để, vào năm 2025, có thể nhanh chóng thi hành lệnh chiến đấu tại những hòn đảo xa xôi và héo lánh.

Chưa hết, cũng ngày 31/1/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bay đến Seoul, tuyên bố sẽ mở thêm các cuộc tập trận và tăng cường kế hoạch chống lại sự phát triển vũ khí của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup nói trong một cuộc họp báo chung, hai nước muốn “hiện thực hóa hòa bình thông qua sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên”. Còn Bộ trưởng Austin cho biết chuyến đi của ông nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Hàn Quốc là “sắt đá”, chắc hơn đinh đóng cột. Trong các cuộc đàm phán tuần này, hai Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho biết họ sẽ mở rộng các cuộc tập trận và tăng cường kế hoạch răn đe hạt nhân để chống lại sự phát triển vũ khí của Triều Tiên và ngăn chặn chiến tranh. Nhưng chặng Seoul của ông Austin không quan trọng bằng chặng kế tiếp: tối 31/1 ông Austin tới Manila. Bộ trưởng Austin đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ bố trí quân đội ở một số căn cứ quân sự của Philippines ven Biển Đông. Philippines cho Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ hơn giữa những lo ngại về Trung Quốc.

Trong bối cảnh những chuyển động nói trên tại khu vực Đông Á, Chủ tịch Freeman về Nghiên cứu Trung Quốc tại CSIS, ông Jude Blanchette đã nhấn mạnh cũng vào hôm 31/1/2023 rằng, không nên có “nhiều kỳ vọng” về bất kỳ “bước đột phá quan trọng” nào từ chuyến đi dự kiến. Ông Blanchette nói thêm, tin về chuyến thăm không phải là điều quá tệ, nếu ta xét đến thực tế, mối quan hệ Mỹ – Trung đã sụt giảm như thế nào trong vòng 5 năm qua. Blanchette cho biết sứ mệnh của Blinken chủ yếu sẽ nhằm “tái thiết lập nền tảng của mối quan hệ và đưa ra một số thủ tục và cơ chế để có thể vượt qua căng thẳng”. Michael Swaine, một thành viên cao cấp từ Viện Quincy chuyên nghiên cứ về chính sách tại Washington cho rằng, những mâu thuẫn về Đài Loan là một trong những lĩnh vực bất đồng gay gắt và nguy hiểm nhất. Chính điều này khiến kế hoạch công du của Blinken càng trở nên quan trọng trong việc hạ nhiệt các cuộc khẩu chiến về quân sự bằng các động thái ngoại giao.

Ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?

Tuy không nhiều kỳ vọng nhưng chuyến đi (dự kiến) sang Trung Quốc của Blinken sẽ là hoạt động mới nhất trong một loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa giới chức Bắc Kinh và chính quyền Biden. Tập Cận Bình và Joe Biden trong cuộc gặp mặt trực tiếp hồi tháng 11/2022 với tư cách là hai nguyên thủ quốc gia đã cam kết sẽ có các bước giảm thiểu những căng thẳng vốn không ngừng leo thang trong những năm gần đây. Theo các nhà nghiên cứu chiến lược, Bắc Kinh có thể sẽ thúc đẩy chính quyền Biden đưa ra một tuyên bố công khai theo hướng phù hợp hơn với “chính sách một Trung Quốc”. Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố, Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đạt mục tiêu thống nhất. Bắc Kinh rất nhạy cảm trước “sự mơ hồ chiến lược” của Mỹ đối với Đài Loan. Chính sách này (ambiguity strategy) cố ý mập mờ về việc liệu Washington có “động binh” để bảo vệ hòn đảo tự trị hay không. Theo các chuyên gia từ CSIS, giới chức Bắc Kinh muốn tham gia các đối thoại lần này nhằm mục tiêu kìm hãm bớt “một số hành động của Mỹ” trong lĩnh vực công nghệ cao đối với Trung Quốc.

Xem thế để thấy trong hàng loạt các vấn đề của quan hệ của Trung – Mỹ, từ Ukraine đến Đài Loan, từ Triều Tiên đến Biển Đông, chắc chắn đều có liên quan trực tiếp đến Việt Nam. Nếu Mỹ, Trung đạt được một số thoả thuận sơ bộ về chính sách của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Putin đối Ukraine và một vài bước giảm thiểu căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan, thì lãnh đạo Hà Nội rồi đây hy vọng sẽ có “cửa ra về ngoại giao”. Ít nhất, đấy là đánh giá của một quan chức cấp cao từ Bộ Ngoại giao Hà Nội mà BBC có được tuy không nêu rõ danh tính. Việt Nam giờ đây không còn là đề tài để mặc cả khi Mỹ, Trung cần thoả hiệp hay đẩy quan hệ căng thẳng lên. Tuy nhiên, trong toàn bộ tiến trình triển khai chiến lược “Indo – Pacific tự do và rộng mở” (FOIP) cũng như định hình “Khung khổ Kinh tế của khu vực Ấn Độ dương – Thái Bình dương” (IPEF), Việt Nam vẫn là đối tác mới nổi, vẫn liên quan đến một số vấn đề khu vực rất đa dạng và đụng chạm đến các quyền lợi của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Cách Trung Quốc sử dụng dân quân biển trong chiến lược vùng xám đang làm náo động không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước ASEAN khác, là một điển hình.

Chưa hết, mặc dầu TBT Tập Cận Bình có hạ giọng, nhưng tình hình Biển Đông ngay từ những ngày đầu 2023 này vẫn không hề yên tĩnh. Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các cơ sở phòng không trên Biển Đông, đặc biệt xây dựng các bệ phóng tên lửa trên đảo Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập và một số đảo khác của Việt Nam. Trong khi Hà Nội "nằm yên" và ưu tiên cho các dàn xếp nhân sự nội bộ thì Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã chủ động đề xuất với Trung Quốc cần có cơ chế tham vấn ở cấp các Ngoại trưởng để ngăn chặn bất cứ sự leo thang nào trong khi các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. Phải nói “sự quay xe” của Philippines đối với Trung Quốc thật là ngoạn mục và rất đáng suy nghĩ đối với các nhà vạch chính sách ngồi ở Ba Đình. Hoa Kỳ “gặt hái” lớn khi thuyết phục được Philippines để Mỹ đóng quân trên 9 địa điểm. Tuy nhiên, cả hai bên đều không nêu rõ địa điểm nào sẽ được mở thêm để Hoa Kỳ tiếp cận. Chuyến đi Manila của Bộ trưởng Austin coi như đặt bút ký những gì mà các toán công tác thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước đã làm việc từ mấy tháng qua.

Dĩ nhiên Hoa Kỳ cũng muốn hợp tác với Việt Nam sâu đậm hơn bây giờ, nhưng Hà Nội cứ tránh né mãi mô hình “đối tác chiến lược”, lại còn đưa ra chính sách “Bốn Không” bất chấp đang buôn bán có lợi với Hoa Kỳ, bất chấp nhận được nhiều tỷ kiều hối từ Hoa Kỳ mà không phải làm gì cả. Trên thực tế, chế độ Hà Nội hiện nay lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Các dư luận viên “A47” có thể cãi lại: Tại sao dám bảo Việt Nam bây giờ là chư hầu của Tàu thì hãy nhìn các động thái “dẹp tiệm” của ông Trọng từ sau khi “triều kiến” Bắc Kinh về. Cách đây một năm, Ngoại trưởng Blinken có nhắc tới “món phở” độc đáo của Việt Nam trong dòng trạng thái gửi Phạm Bình Minh, lúc bấy giờ còn ngồi ghế Phó Thủ tướng thường trực: “…Tôi rất hy vọng lần trao đổi tiếp theo của chúng ta sẽ tại Hà Nội, bên cạnh một tô phở thơm ngon”. Nhưng than ôi, vật đổi sao dời, Ngoại trưởng Antony Blinken ơi! Giờ đây, không những sự nghiệp của ông Minh đã tiêu tan, mà bang giao Việt – Mỹ cũng đang “thất thểu” bước vào miền bất định.

Diễn đàn

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG