Đức đang xem xét cấm một số thiết bị của hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE trong các mạng viễn thông của Đức, một nguồn tin chính phủ cho biết, trong một động thái quan trọng tiềm tàng để giải quyết các mối lo ngại về an ninh, theo Reuters.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức hôm thứ Ba 7/3 xác nhận rằng chính phủ Đức đang tiến hành đánh giá chung về các nhà cung cấp công nghệ viễn thông, nhưng nói rằng điều này không nhắm vào các nhà sản xuất cụ thể.
Một báo cáo của Bộ Nội vụ Đức về cuộc đánh giá mà Reuters được xem nói rằng một nhà cung cấp cụ thể có thể bị cấm cung cấp các thiết bị quan trọng nếu nhà cung cấp đó bị chính phủ của một nhà nước khác kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner nói với đài Welt TV: “Chúng ta không thể phụ thuộc vào các thiết bị của các nhà cung cấp riêng lẻ”.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết việc xem xét này có thể dẫn đến việc Đức yêu cầu các nhà khai thác loại bỏ và thay thế các thiết bị đã được tích hợp sẵn trong mạng, đồng thời cho biết thêm rằng luật hiện hành không dự kiến có các khoản bồi thường cho họ.
“Đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Đức cuối cùng có thể đang xem xét các rủi ro liên quan đến Trung Quốc đối với an ninh quốc gia một cách nghiêm túc”, ông Noah Barkin, một chủ bút thuộc hãng nghiên cứu Rhodium Group, nói. Ông chuyên về quan hệ Đức-Trung và phụ trách mảng các hoạt động của Trung Quốc.
Những người chỉ trích Huawei và ZTE nói rằng mối liên hệ chặt chẽ của hai hãng này với các cơ quan an ninh của Bắc Kinh đồng nghĩa là việc can thiệp vào các mạng di động phổ biến trong tương lai có thể giúp cho gián điệp Trung Quốc và thậm chí cả những kẻ phá hoại tiếp cận được với các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Huawei, ZTE và chính phủ Trung Quốc bác bỏ những tuyên bố này, cho rằng chúng có động cơ là ý muốn bảo hộ để hỗ trợ các đối thủ không phải là các hãng Trung Quốc.
Đề cập đến các tin tức trên truyền thông Đức về một lệnh cấm có thể xảy ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức nói trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ “rất kinh ngạc và rất không hài lòng” nếu bất kỳ quyết định nào như vậy được đưa ra.
Đáp lại lời đề nghị bình luận của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố rằng họ hy vọng Đức sẽ “đưa ra quyết định độc lập phù hợp với lợi ích của chính mình, mô hình kinh tế và các quy tắc quốc tế mà không tiếp nhận sự can thiệp từ bên thứ ba”.
Bắc Kinh thường cho rằng các quyết định của các nước châu Âu mà họ coi là thù địch đều là do áp lực từ Hoa Kỳ.
Người phát ngôn của Huawei cho biết họ không bình luận về suy đoán này và họ có “thành tích bảo mật rất tốt” trong suốt 20 năm cung cấp công nghệ cho Đức và phần còn lại của thế giới.
Người phát ngôn của ZTE cho biết không có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm của họ không an toàn, nhưng họ hoan nghênh sự giám sát từ bên ngoài.
Khi được hỏi về lệnh cấm tiềm tàng, hai trong số các nhà khai thác viễn thông hàng đầu của Đức, Deutsche Telekom và Vodafone Germany, cho biết họ tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành nhưng không phản hồi về những đồn đoán chính trị.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn