Đường dẫn truy cập

‘Đốt lò” khiến ngành đăng kiểm tê liệt một phần, các chủ xe vô cùng ngao ngán


Xe cộ xếp hàng dài chờ đăng kiểm ở Hà Nội, 8/3/2023.
Xe cộ xếp hàng dài chờ đăng kiểm ở Hà Nội, 8/3/2023.

Kể từ hai tháng cuối năm 2022 đến nay, nhà chức trách Việt Nam điều tra, bắt giam nhiều quan chức, cán bộ ngành đăng kiểm, khiến hàng chục trạm đăng kiểm ở các thành phố lớn bị đóng cửa. Tình trạng này khiến các chủ xe ô tô khốn đốn phải xếp hàng dài dằng dặc, thậm chí phải sang các tỉnh khác để đăng kiểm ở các trạm còn hoạt động.

Theo tìm hiểu của VOA, đến ngày 7/3, 63 trạm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động do có sai phạm, chiếm gần 1/4 trong tổng số 281 trạm trên toàn Việt Nam.

Tại thủ đô Hà Nội, chỉ còn 7 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động trên tổng số 31 trung tâm. Ở thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất và có nhiều xe cơ giới nhất của đất nước, chỉ còn 10 trên 19 trung tâm đăng kiểm còn làm việc.

Hồi đầu tháng 3, một phát ngôn viên của Bộ Công an Việt Nam cho hay trong vài tháng qua, công an đã khởi tố, bắt giữ 379 người bao gồm viên Cục trưởng Cục Đăng kiểm, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm và 4 chi cục đăng kiểm ở 28 tỉnh, thành.

Bộ cho rằng số bị can trong loạt điều tra này chắc chắn sẽ còn tăng vì các địa phương đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra.

Các bị can bị khởi tố về các tội danh gồm môi giới hối lộ; đưa, nhận hối lộ; giả mạo; sản xuất, mua, bán, trao đổi các thiết bị, phần mềm có mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc mạng điện tử của người khác; và che giấu tội phạm.

Việc chỉ trong một thời gian ngắn mà có tới hơn 22% số trạm đăng kiểm đồng loạt bị dừng hoạt động đã dẫn đến tình trạng ách tắc, quá tải tại các trạm còn lại, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Ông Phạm Tùng, một chủ sở hữu xe hơi ở Hà Nội, mô tả tình hình với VOA: “Bây giờ, ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM, đăng kiểm là vấn đề hết sức khó khăn đối với người dân. Đặc biệt là những người sắp đến thời hạn đăng kiểm, họ rất khó tìm chỗ để đăng kiểm cho chiếc xe của mình”.

Ông Tùng nói thêm rằng tình trạng khó đăng kiểm bắt đầu xảy ra từ cuối năm ngoái, và hiện nay đang đạt đến “cao điểm”.

Với vốn sống của mình, vị chủ xe này khẳng định rằng chính ông chứng kiến nạn tham nhũng vặt trong ngành đăng kiểm đã có từ rất lâu: “Từ hơn 20 năm trước, tôi đi làm đăng kiểm, đã có hiện tượng là mặc dù xe mình là xe con không có khiếm khuyết gì quá lớn, nhưng sau khi làm xong họ vẫn vòi vĩnh, xin thêm 100.000, 200.000 đồng, gây ức chế cho người dân”.

Đối với các xe lớn, phục vụ kinh doanh như xe tải, xe khách, báo chí Việt Nam đã nhiều lần có các phóng sự điều tra viết rằng có những cán bộ, nhân viên đăng kiểm nhận hối lộ để làm ngơ các lỗi của xe, ít nhiều liên quan đến tình trạng xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc.

Cũng như nhiều người dân nói chung và các chủ xe nói riêng, ông Tùng nhấn mạnh rằng ông ủng hộ việc nhà chức trách tấn công vào các sai phạm của ngành đăng kiểm để làm minh bạch hoạt động của ngành này, giảm phiền hà và tham nhũng trong ngành, đưa ngành trở nên văn minh, hiện đại và thuận lợi hơn cho người dân.

Tuy nhiên, ông Tùng và nhiều người cho rằng chiến dịch chống tiêu cực trong ngành đăng kiểm dường như không có những tính toán xa, vì vậy đã và đang gây ra xáo trộn, phiền toái cho người dân, với thực tế bản thân ông phải đi tới tỉnh Quảng Ninh cách Hà Nội gần 200 km để đăng kiểm, hay các chủ xe giờ đây phải xếp hàng dài chờ hàng tiếng mới đến lượt đăng kiểm ở những nơi còn làm việc.

Các chủ xe đã thể hiện sự bức xúc của họ về tình trạng này thông qua mạng xã hội và báo chí. Đáp lại, chính phủ Việt Nam cho biết hôm 9/3 rằng họ mới ra một nghị quyết yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải đóng vai trò chính, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm xe cộ.

Bộ phải “có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3/2023”, theo nghị quyết.

Một phần của giải pháp là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải trước mắt cần khẩn trương huy động điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác để tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, Tp.HCM, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.

Bên cạnh đó, vị phó thủ tướng cũng giao nhiệm vụ có tính dài hạn hơn cho bộ, đó là khẩn trương sửa đổi một thông tư năm 2021 của bộ, theo đó, cần bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về an toàn của phương tiện ban hành trước ngày 10/3/2023.

Chủ xe Phạm Tùng nói với VOA rằng cá nhân ông và nhiều chủ xe khác ủng hộ các chỉ đạo kể trên và mong những điều đó sớm được hiện thực hóa.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG